Bà Harris kêu gọi chấm dứt chiến tranh Gaza, nói không với việc Israel tái chiếm đóng

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris kêu gọi một lệnh ngừng bắn tại Gaza và khẳng định Israel không được phép tái chiếm đóng lãnh thổ của người Palestine khi chiến tranh chấm dứt.

Chú thích ảnh
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại chiến dịch vận động tranh cử ở Charlotte, Bắc Carolina, ngày 12/9/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo hãng tin Retuers, phát biểu trước Hiệp hội Các nhà báo da màu quốc gia tại Philadelphia ngày 17/9, nữ ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ kêu gọi chấm dứt cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hamas tại Dải Gaza, ủng hộ giải pháp hai nhà nước và một sự ổn định đối với tình hình Trung Đông.

"Chúng tôi đã nói rất rõ rằng thỏa thuận này cần phải được thực hiện vì lợi ích tốt nhất của mọi người trong khu vực", bà Harris trả lời câu hỏi từ ba nhà báo.

Cơ quan Y tế Gaza cho biết ít nhất 41.252 người đã thiệt mạng và 95.497 người khác bị thương trong cuộc tấn công của Israel vào dải đất bị phong toả của người Palestine từ ngày 7/10/2023. Israel đã bắt đầu cuộc chiến nhằm vào Hamas sau khi nhóm này tấn công vào miền Nam Israel, giết chết 1.200 người, chủ yếu là thường dân và bắt giữ khoảng 250 con tin.

Trước đây, đối với cuộc xung đột ở Gaza, bà Harris luôn công khai bày tỏ sự đồng thuận với lập trường của Tổng thống Joe Biden về ủng hộ Israel, bác bỏ lời kêu gọi của một số thành viên đảng Dân chủ rằng Washington nên cân nhắc lại việc gửi vũ khí cho Israel vì số người Palestine thiệt mạng ở Gaza quá lớn. Bà khẳng định ủng hộ một Israel mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng kêu gọi sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc xung đột ở Gaza.

Giới quan sát nhận định vấn đề liên quan đến Israel và Gaza là một thách thức lớn đối với bà Harris trong quá trình chạy đua vào Nhà Trắng và cũng là thách thức đối với nữ lãnh đạo một khi đắc cử. Với sự chia rẽ trong đảng Dân chủ về vấn đề này, bà Harris đang phải đối mặt với áp lực từ cả hai phía. Các nhà hoạt động muốn thấy một chính sách cứng rắn hơn đối với Israel, trong khi những người khác có thể không đồng tình với quan điểm đó.

Theo một bài viết trên tạp chí Vougue, trong cuộc bầu cử năm 2020, một số lượng kỷ lục cử tri người Mỹ gốc Arab và Hồi giáo đã đi bỏ phiếu. Đáng chú ý nhất là tại các bang dao động quan trọng như Michigan, Georgia và Pennsylvania, họ đã giúp Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng với tỷ lệ sít sao trước đối thủ Donald Trump. Trong nhiều thập kỷ qua, các đảng phái trong số cử tri người Mỹ gốc Arab và Hồi giáo đã ủng hộ các ứng cử viên của đảng Dân chủ. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc chiến Israel-Hamas bắt đầu, tình hình đã bắt đầu thay đổi, với sự ủng hộ của người Mỹ gốc Arab và Hồi giáo dành cho đảng Dân chủ giảm mạnh xuống còn 17% và 10%, theo các cuộc khảo sát do Viện người Mỹ gốc Arab tiến hành vào mùa thu năm 2023. Thay vì ủng hộ Tổng thống Biden trong cuộc bầu cử sơ bộ, các nhà lãnh đạo cộng đồng đã tổ chức một phong trào quần chúng bỏ phiếu "không cam kết" để thể hiện sự phản đối đối với cuộc chiến ở Gaza.

Đến tháng 7, Tổng thống Biden tuyên bố rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng, trao “ngọn đuốc” cho Phó Tổng thống Harris. Tuy nhiên, hy vọng của nhiều Arab vào một ứng viên tổng thống là con gái của người nhập cư cũng dần mờ nhạt.

Hiện tại, việc của nữ phó tổng thống là cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc duy trì chính sách của của chính quyền ông Biden và thu hút sự ủng hộ từ các cử tri gốc Arab và cử tri trẻ tuổi. Sự phân hóa trong đảng về vấn đề này có thể ảnh hưởng đến sự ủng hộ đối với chiến dịch của bà và bà cần phải tìm ra cách để xử lý sự căng thẳng này một cách khéo léo.

Bảo Hà/Báo Tin tức (tổng hợp)
Bầu cử Mỹ: Bà Harris đang vật lộn để làm giảm lợi thế của ông Trump về quản lý kinh tế
Bầu cử Mỹ: Bà Harris đang vật lộn để làm giảm lợi thế của ông Trump về quản lý kinh tế

Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức đối với Kamala Harris, đặc biệt trong việc đối đầu với Donald Trump về lĩnh vực kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN