Người dân tắm mát ở bãi biển Bondi khi nhiệt độ ở Sydney lên tới hơn 40 độ C ngày 20/11/2015. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong báo cáo về khí hậu hàng năm công bố ngày 10/1, Cục Khí tượng Australia (BOM) cho biết, kể từ năm 2005, Australia đã trải qua 7 trong số 10 năm nóng nhất trong lịch sử, trong đó chỉ có năm 2011 ghi nhận nền nhiệt mát mẻ hơn so với trung bình. Nhiệt độ trung bình hàng năm của Australia đã tăng xấp xỉ 1,1 độ C kể từ năm 1910, đặc biệt ngày càng tăng cao kể từ năm 1950. Trong năm 2017, nhiệt độ trung bình ở "xứ sở chuột túi" cao hơn 0,95 độ C so với giai đoạn 1961-1990. Trong 108 năm kể từ khi nhiệt độ bắt đầu được ghi nhận, chỉ có 2 năm 2013 và 2005 nhiệt độ trung bình cao hơn mức này.
Theo BOM, các bang miền Đông New South Wales và Queensland là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng nắng nóng kỷ lục trong năm vừa qua. Một số khu vực khác cũng trải qua những tháng khô hạn nhất trong lịch sử, bao gồm bang Victoria vào tháng 6, bang New South Wales và vùng lưu vực sông Murray-Darling vào tháng 9. Tuy nhiên, 3 tháng cuối năm 2017 lại ghi nhận lượng mưa cao hơn mức trung bình ở nhiều khu vực. Trong khi đó, các đại dương bao quanh Australia cũng ghi nhận nền nhiệt cao hơn mức trung bình.
Giới chức phụ trách giám sát khí hậu nhận định mặc dù không có El Nino, hiện tượng khí hậu thường thấy trong những năm nóng nhất lịch sử, song năm 2017 ghi nhận nền nhiệt rất cao. Nhiệt độ vào ban ngày và ban đêm đều cao hơn so với mức trung bình, trong khi mức nhiệt cao nhất cũng ở mức cao thứ 2 trong lịch sử.
Tình trạng nắng nóng nghiêm trọng ở Australia còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới các loài chim, dơi và thú có túi. Hàng trăm con dơi đã chết do không chống chọi được với thời tiết nóng kỷ lục.
Báo cáo của BOM được công bố trước báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới về nhiệt độ trung bình toàn cầu, trong đó các chuyên gia khí tượng Australia nhận định năm 2017 là một trong 3 năm nóng nhất trong lịch sử thế giới, và là năm nóng nhất không có El Nino.