Australia kích hoạt kế hoạch ứng phó khẩn cấp với dịch COVID-19

Chính phủ Australia đã kích hoạt kế hoạch ứng phó khẩn cấp với nguy cơ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra diễn biến phức tạp thành đại dịch toàn cầu.

Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang tại sân bay Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, thông báo được Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt đưa ra trong buổi họp báo về dịch COVID-19 của lãnh đạo chính phủ Australia cùng Thủ tướng Scott Morrison và Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg.

"Kế hoạch COVID-19" vạch ra một chiến lược chi tiết trong trường hợp bùng phát dịch bệnh trên quy mô lớn, theo đó xây dựng các phòng khám, hỗ trợ vaccine, theo dõi nhanh và tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó của hệ thống bệnh viện, ngân hàng máu, vật tư y tế và xử lý trường hợp tử vong. 

Kế hoạch đề ra ba cấp độ tình huống có thể xảy ra nhất mà hệ thống chăm sóc sức khỏe gặp phải tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và mức độ lây lan nhanh chóng. 

Ở mức thấp, các trung tâm y tế sẽ phản ứng như các trường hợp dịch cúm mùa tại Australia trong quá khứ, đơn cử là đại dịch cúm năm 2009. 

Ở mức vừa phải, các bệnh viện sẽ phải chịu áp lực lớn khi các cơ quan y tế sẽ thiết lập các phòng khám dã chiến và tiến hành nhiều biện pháp khẩn cấp khác, đồng thời xem xét ban hành một bộ luật về đại dịch mới. 

Ở mức cao, kịch bản cực đoan nhất, các nhà hoạch định đưa ra khả năng dịch COVID-19 sẽ lên mức độ lây nhiễm chưa từng có kể từ dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 khiến 30% dân số Australia nhiễm bệnh. Khi đó, ngoài toàn bộ các công tác được triển khai như hai mức trên, các bác sĩ gia đình, nhà thuốc, y tá, cơ sở chăm sóc người già, ngân hàng máu và dịch vụ chẩn đoán sẽ được mở rộng ưu tiên hỗ trợ các hoạt động của bệnh viện chăm sóc người bệnh. Ở kịch bản này, áp lực đối với các dịch vụ xử lý những trường hợp tử vong là rất lớn.

Kế hoạch này được Chính phủ Australia xây dựng từ ngày 20/1 vừa qua sau khi nước này lo ngại COVID-2019 có thể trở thành đại dịch toàn cầu. Theo kế hoạch, Thủ tướng Morrison sẽ trực tiếp chỉ đạo, trong khi Bộ Y tế sẽ là trung tâm chỉ huy, điều phối, hỗ trợ vật tư, trang thiết bị và liên lạc.

Cũng trong buổi họp báo, Thủ tướng Morrison cho biết các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 của Australia cho đến nay đã được chứng minh hiệu quả, bao gồm các lệnh cấm du lịch, sàng lọc tại sân bay và cách ly. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại về việc dịch bệnh đang bùng phát nhanh chóng bên ngoài Trung Quốc đại lục.

Liên quan đến việc nghiên cứu vaccine phòng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, Chính phủ Australia cho biết trong trường hợp cần thiết sẽ phê duyệt nhanh một loại vaccine sau khi loại này được chứng minh có hiệu quả qua các cuộc thử nghiệm, đồng thời triển khai một kế hoạch tiêm chủng cấp quốc gia.

Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh một vài ngày gần đây, nhiều nhà lãnh đạo thế giới và các chuyên gia an toàn sinh học cảnh báo đại dịch COVID-19 là "gần như không thể tránh khỏi". 

Tính đến trưa 26/2, theo thống kê trên trang worldometers.info, đã có tổng cộng 80.997 số ca nhiễm COVID-19 tại 42 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 2.764 trường hợp tử vong. Riêng Trung Quốc đại lục ghi nhận 78.064 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 2.715 người tử vong. Tại Australia, có 22 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.
Hoàng Linh (TTXVN)
Nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc không còn ô nhiễm trong mùa dịch COVID-19
Nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc không còn ô nhiễm trong mùa dịch COVID-19

Việc chậm nối lại các hoạt động sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc vì sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra (COVID-19) góp phần trả lại bầu không khí trong lành cho các thành phố trước đó bị ô nhiễm nghiêm trọng như Thượng Hải, Quảng Châu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN