Australia công bố mô hình khí hậu cho 'mục tiêu phát thải ròng bằng 0'

Thủ tướng Scott Morrison ngày 12/11 đã công bố mô hình kế hoạch hành động nhằm hỗ trợ "mục tiêu phát thải ròng bằng 0" vào năm 2050 mà Australia đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Chú thích ảnh
Thủ tướng Australia Scott Morrison phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới trong khuôn khổ Hội nghị COP26 ở Glasgow, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Mô hình này, do công ty tư vấn McKinsey thực hiện, chỉ ra rằng cam kết về khí hậu mới sẽ giúp nền kinh tế Australia tạo thêm 100.000 việc làm trong các ngành công nghiệp tiềm năng như sản xuất khí hydro, năng lượng tái tạo, thép xanh và alumin, giúp tăng thu nhập quốc gia thêm 2.000 AUD/người (1.400 USD/người) vào giữa thế kỷ này. 

Báo cáo thuyết trình của mô hình trên phân tích tổng lượng phát thải khí nhà kính ở Australia sẽ giảm xuống mức 253 megaton/năm, ít hơn 105 megaton so với con số 358 megaton/năm nếu không có mục tiêu nào được thông qua.

Trong tình huống không thay đổi cam kết, lượng khí thải của Australia sẽ giảm xuống mức 51% vào năm 2050 so với mức của năm 2005, song với cam kết mới, nếu áp dụng công nghệ tiên tiến và tập trung vào các ngành công nghiệp xanh, Australia ít nhất sẽ giảm được tới 85% lượng khí thải và hoàn toàn có thể đạt mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050 nếu đẩy mạnh hơn nữa việc cải tiến công nghệ. 

Tuy nhiên, báo cáo lưu ý điều này phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động thu giữ và lưu trữ carbon, khai thác khí hydro sạch, sản xuất thép và nhôm ít phát thải, và lưu trữ carbon trong đất. Bên cạnh đó, báo cáo cũng dự đoán việc phát triển nhanh chóng lĩnh vực khai thác khí hydro để cung cấp khoảng 10% nguồn cung toàn cầu vào năm 2050 sẽ giúp tăng gấp 3 lần giá trị hàng xuất khẩu của Australia.

Theo báo cáo, nhờ cải thiện công nghệ, năng suất năng lượng trên toàn nền kinh tế Australia sẽ được cải thiện trong vòng 30 năm tới với chi phí tiêu thụ năng lượng tính trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đầu người giảm một nửa vào năm 2050. Ngoài ra, khả năng tự cung cấp năng lượng của nước này cũng sẽ tăng đáng kể, giúp giảm chi phí năng lượng trong tỷ trọng GDP từ mức 8% xuống 2%.

Phát biểu tại cuộc họp báo công bố mô hình kế hoạch nêu trên, ông Morrison nhấn mạnh Australia sẽ đạt mục tiêu khí hậu vào năm 2050 bằng một kế hoạch về công nghệ và mục tiêu này là sự lựa chọn, chứ không phải nhiệm vụ. Tuyên bố này của Thủ tướng Australia đã khẳng định những vấn đề được ông đề cập đến tại COP26 và các hội nghị quốc tế về khí hậu trước đó.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Năng lượng Australia Angus Taylor, việc lập mô hình chi tiết kế hoạch hành động để thực hiện mục tiêu khí hậu sẽ hỗ trợ cho các ngành công nghiệp của nước này trong  việc thực hiện theo định hướng và mục tiêu của Chính phủ Australia. Ông đánh giá mô hình trên đã minh chứng rõ ràng rằng việc tập trung công nghệ sẽ cho phép Australia đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà không gây ra rủi ro đáng kể nào cho các ngành công nghiệp hoặc việc làm của người lao động.

Diệu Linh (TTXVN)
Hội nghị khí hậu COP26 bước vào ngày cuối căng thẳng, các nhà đàm phán vẫn bất đồng nhiều vấn đề
Hội nghị khí hậu COP26 bước vào ngày cuối căng thẳng, các nhà đàm phán vẫn bất đồng nhiều vấn đề

Ngày 12/11 là ngày cuối cùng mà các nhà đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) buộc phải giải quyết các xung đột, tìm ra cách thương lượng với nhau để tình trạng Trái Đất ấm lên không biến thành thảm họa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN