Tuyên bố chung của Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) đưa ra ngày 7/9 nêu rõ để các nỗ lực phòng chống đại dịch COVID-19 thực sự hiệu quả, đòi hỏi các nước không chỉ đẩy mạnh các nỗ lực trong phạm vi nước mình mà đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế hài hòa và hành động hiệu quả của các tổ chức đa phương cũng như sự hỗ trợ giữa các quốc gia đối tác của ASEM, dựa trên các nguyên tắc và giá trị của Liên hợp quốc. Trên website của mình, cơ quan đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) tái khẳng định việc chia sẻ kinh nghiệm và thông tin một cách tự nguyện, có trách nhiệm, minh bạch và kịp thời. Các đối tác cũng nhất trí ủng hộ lời kêu gọi của LHQ về chia sẻ trách nhiệm, đoàn kết toàn cầu và tăng cường hợp tác đa phương nhằm ứng phó với những tác động của dịch COVID-19.
Nữ phát ngôn viên của EU dẫn tuyên bố trên khẳng định: "Chúng tôi tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác đa phương trong việc phục hồi kinh tế - xã hội. Virus sẽ không thể làm suy yếu quyết tâm đoàn kết của chúng ta trong giai đoạn khó khăn hiện nay". Quan chức châu Âu cũng nhấn mạnh cam kết của các đối tác “tiếp tục phối hợp thúc đẩy mục tiêu phục hồi kinh tế - xã hội bền vững, giảm thiểu nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu”.
Tuyên bố chung có sự phối hợp soạn thảo của các Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia, nước đăng cai Hội nghị thượng đỉnh ASEM lần thứ 13, và EU, Đức, Singapore, Nga là các nước điều phối viên khu vực, trên danh nghĩa thành viên ASEM.
Do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hội nghị thượng đỉnh ASEM 13, dự kiến diễn ra trong hai ngày 16-17/11 tại Phnom Penh (Campuchia), đã bị hoãn đến giữa năm 2021.
ASEM được thành lập năm 1996 như một diễn đàn đối thoại và hợp tác giữa châu Âu và châu Á, gồm 27 nước thành viên EU, Na Uy, Thụy Sĩ và 10 nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Australia... Xét tổng thể, các nước đối tác ASEM chiếm 65% kinh tế toàn cầu, 60% dân số thế giới, 55% kim ngạch thương mại thế giới và 75% doanh thu du lịch toàn cầu.