Diễn ra từ ngày 8 - 10/8 tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM-47) đã ra thông cáo chung với những quan điểm nhất quán về các vấn đề quan trọng của khu vực. Văn kiện này một lần nữa chứng tỏ sự đoàn kết luôn là sức mạnh của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Với độ dày 55 trang gồm 166 khoản, bản Thông cáo chung đã đề cập từ các nguyên tắc, giá trị cốt lõi của khối; tiến độ, phương thức tiến đến Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015; cho đến quan hệ của khối với 10 đối tác bên ngoài, với các tổ chức kinh tế - thương mại toàn cầu; phương cách vận hành các cấu trúc hợp tác do ASEAN làm trung tâm; và những vấn đề an ninh nóng bỏng trong khu vực và trên thế giới.
Bộ trưởng Ngoại giao các nước chụp ảnh chung tại hội nghị. Ảnh: Việt Hải - TTXVN |
Để bảo đảm mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào 31/12/2015, Thông cáo chung ASEAN tiếp tục khẳng định quyết tâm triển khai đúng hạn và hiệu quả Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết, kết nối trong ASEAN và khu vực, tăng cường hợp tác tiểu vùng, trong đó có tiểu vùng Mê Công. ASEAN xác định rõ mục tiêu tăng cường đoàn kết, phát huy vai trò trách nhiệm và chủ đạo của mình ở khu vực, cũng như trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Sự đoàn kết của ASEAN được thể hiện rõ nhất trong quan điểm chung của khối về vấn đề Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh đây là vấn đề đang thu hút sự chú ý của công luận sau khi có nhiều vụ việc phức tạp xảy ra tại khu vực này, trong đó có vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Bằng việc bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng vừa qua ở Biển Đông và nhấn mạnh yêu cầu không được để tái diễn các sự việc tương tự, ASEAN đã cất lên một tiếng nói mạnh mẽ hơn bao giờ hết bày tỏ quan điểm thống nhất của toàn bộ thành viên đối với vấn đề Biển Đông. Động thái này còn thể hiện bước tiến quan trọng về sự gắn kết chặt chẽ trong khối sau các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông khiến tình hình khu vực diễn biến phức tạp.
Bên cạnh việc thể hiện rõ lập trường kiên quyết phản đối các hành động leo thang căng thẳng, gây phức tạp tình hình, làm phương hại đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông, ASEAN luôn khẳng định mong muốn giải quyết mọi bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình gồm đối thoại thân thiện và thương lượng. Đối với ASEAN, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông luôn là vấn đề được ưu tiên hàng đầu, chính vì vậy Đông Nam Á luôn nhất quán với quan điểm kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đi vào thương lượng thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử COC.
Phát biểu sau cuộc họp ASEAN - Trung Quốc, cả Quyền Ngoại trưởng Thái Lan Sihasak Phungketkeow và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết các bên sẵn sàng thúc đẩy hơn nữa quá trình tham vấn chính thức để sớm đạt được Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC). Dự kiến, vòng đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức tại Thái Lan vào tháng 10 tới. ASEAN hy vọng sẽ đạt được tiến triển trong việc thảo luận dự thảo COC, mà trước mắt là những biện pháp có thể thực hiện được trong trung hạn, nhằm thúc đẩy lòng tin để tăng cường hợp tác theo những cách thức đạt được hòa bình ở thực địa.
AMM-47 là đợt hội nghị quan trọng nhất trong năm của ASEAN ở cấp bộ trưởng ngoại giao. Không chỉ như vậy, đây còn là đợt hội nghị duy nhất quy tụ đủ 10 đối tác khu vực gồm Hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) thường niên, các Hội nghị Bộ trưởng của Mê Công với các đối tác liên quan và tổng cộng khoảng 20 cuộc họp trong hai ngày 8 và 10/8.
Một ASEAN năng động, mở cửa và hội nhập luôn nhận được sự chào đón của các đối tác. Cùng với các vấn đề kinh tế, lập trường kiên quyết và ôn hòa của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề bất đồng, trong đó có vấn đề Biển Đông, đã nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia đối tác trong đó có Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.
Phát biểu trước các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ hy vọng ASEAN và Trung Quốc “sẽ thúc đẩy đàm phán một COC có ý nghĩa”, đồng thời kêu gọi các bên sớm thực thi các biện pháp nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh mọi quốc gia cần phải tôn trọng luật pháp trong cách xử lý bất đồng ở Biển Đông.
Trong một động thái ủng hộ mạnh mẽ hơn, Ngoại trưởng Nhật Bản đã cam kết sẽ tăng cường hợp tác an ninh trên biển với các nước ASEAN để giúp Đông Nam Á nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tuần duyên, đặc biệt Tokyo sẵn sàng cung cấp tàu tuần tra, các hệ thống thông tin liên lạc cũng như nhiều thiết bị khác cho các đối tác ASEAN, tăng cường giúp đỡ các nước ASEAN trong việc huấn luyện lực lượng bảo vệ bờ biển.
Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj bày tỏ sự ủng hộ đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN, sẽ được thành lập vào năm 2015, và nhấn mạnh sự kết nối lớn hơn giữa Ấn Độ và ASEAN về tất cả các phương diện. Đối với vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Swaraj cũng nêu rõ Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và việc tiếp cận các nguồn tài nguyên ở Biển Đông theo các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
AMM-47 cùng với các hội nghị đối tác thực sự đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác cả trong nội khối của ASEAN cũng như quan hệ giữa ASEAN và các đối tác.
Tinh thần của AMM-47 đã được thể hiện rõ trong Thông cáo chung, một văn kiện "toàn diện và quan trọng" kiểm điểm quá trình phát triển của khu vực, xác định mục tiêu và định hướng cho chặng đường tiếp theo. Bản thông cáo đã nêu bật được sự thành công của AMM-47 trong việc quy tụ được sự đồng thuận của tất cả các thành viên, khẳng định sự đoàn kết nội khối đã và sẽ tiếp tục là nền tảng cho ASEAN vững bước trên con đường tiến tới mục tiêu xây dựng một ASEAN hòa bình, đoàn kết, năng động, thân thiện và hội nhập.
Cẩm Tuyến