ASEAN hoan nghênh Nhật Bản đã tài trợ hơn 16 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, hỗ trợ vật tư và trang thiết bị y tế trị giá hơn 320 triệu USD, và mở rộng hợp tác kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của các nước ASEAN.
ASEAN cũng hoan nghênh sáng kiến của Nhật Bản nhằm duy trì và phục hồi nền kinh tế ASEAN bằng cách cấp các khoản vay hỗ trợ khẩn cấp tài chính với tổng trị giá 1,8 tỷ USD; đánh giá cao việc Nhật Bản đóng góp 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19 và cam kết hỗ trợ 50 triệu USD cho Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED).
ASEAN hoan nghênh sự ủng hộ vững chắc của Nhật Bản đối với Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), đồng thời cho rằng AOIP và khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Nhật Bản đều chia sẻ các nguyên tắc cơ bản trong việc thúc đẩy hòa bình và hợp tác. Hai bên bày tỏ quyết tâm tiếp tục tăng cường hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề an ninh có chung lợi ích và quan tâm, gồm chống khủng bố, an ninh hàng hải, buôn bán trái phép ma túy và an ninh mạng.
ASEAN tiếp tục đánh giá rất cao quan hệ kinh tế với Nhật Bản; chia sẻ quan điểm về sự cần thiết tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế kỹ thuật số, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; tái khẳng định sự cần thiết tăng cường hơn nữa hợp tác hướng tới phục hồi toàn diện; đồng thời khuyến khích Nhật Bản nâng cao năng lực sản xuất và kết nối công nghiệp trong khu vực như một phần trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài.
Nhận thấy sự cấp thiết giải quyết vấn đề phục hồi bền vững hậu đại dịch COVID-19 và khẳng định tầm quan trọng của việc chuyển đổi năng lượng hướng tới phát triển bền vững, ASEAN hoan nghênh sự hợp tác của Nhật Bản trong các lĩnh vực minh bạch, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, phi carbon hóa tại các nước ASEAN.
Hai bên cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng, an toàn và tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, theo đuổi giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Thảo luận về tình hình Biển Đông, một số nước tham dự Hội nghị đã bày tỏ quan ngại về các hoạt động cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.