Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã đưa ra quan điểm trên ngày 12/11 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 23 diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide.
Theo người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri, trong phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho rằng hợp tác về Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) là chìa khóa để đạt được mục tiêu nói trên. Do đó, Thái Lan ủng hộ đề xuất của Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác thiết thực về AOIP và tham gia thông qua Tuyên bố chung về vấn đề này, đồng thời đề xuất tập trung lại các mục tiêu và lĩnh vực hợp tác, tương ứng với bối cảnh toàn cầu hiện nay theo 3 chiều: khu vực an toàn, kinh tế thịnh vượng và xã hội bền vững.
Thứ nhất, đối với một “khu vực an toàn”, điều quan trọng là phải tuân thủ các mục tiêu chung như được nêu trong AOIP để tạo ra một khu vực liên kết chặt chẽ hơn, với ASEAN đóng vai trò trung tâm, và tăng cường hợp tác ASEAN-Nhật Bản dựa trên những nguyên tắc chung.
Thứ hai, để có “kinh tế thịnh vượng”, hội nhập kinh tế và kết nối chuỗi cung ứng khu vực cần được tăng cường hơn nữa. Thái Lan hoan nghênh việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), và coi trọng việc triển khai cụ thể Tuyên bố chung ASEAN-Nhật Bản về kết nối được thông qua năm ngoái bằng cách tập trung vào đầu tư chất lượng và phát triển cơ sở hạ tầng. ASEAN tiếp tục là cơ sở đầu tư và sản xuất chính của Nhật Bản, và Thái Lan cùng ASEAN luôn chào đón các nhà đầu tư và doanh nhân Nhật Bản. Thái Lan cũng sẵn sàng hợp tác đầy đủ trong việc thực hiện Kế hoạch Hành động về phục hồi kinh tế ASEAN-Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng phục hồi kinh tế, đặc biệt bằng cách tận dụng công nghệ kỹ thuật số để thúc đẩy phục hồi kinh tế và đương đầu với Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Cuối cùng, đối với một “xã hội bền vững”, an ninh con người, đặc biệt là sức khỏe cộng đồng, cần được thúc đẩy. Thái Lan sẵn sàng là nơi đặt Trung tâm ASEAN về các vấn đề khẩn cấp y tế và dịch bệnh mới, đồng thời cam kết đóng góp nhân sự và chi phí hoạt động lên tới 10 triệu USD/năm cho trung tâm này. Thái Lan cũng đề xuất khái niệm bền vững trong mọi khía cạnh và mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác về điều đó.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã mời Nhật Bản làm việc với Trung tâm ASEAN về Nghiên cứu và Đối thoại Phát triển Bền vững và Trung tâm ASEAN về Tuổi già Năng động và Sáng tạo. Trong khi đó, Thái Lan sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng hợp tác trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là giải quyết rác thải đại dương, bằng cách phối hợp hợp tác giữa Khuôn khổ ASEAN về rác thải đại dương và Kế hoạch Hành động Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) của Nhật Bản về vấn đề này.