Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, thẩm phán Ricardo Basílico đã tuyên các mức án trên chỉ 2 ngày sau lễ tưởng niệm 48 năm ngày xảy ra đảo chính quân sự tại Argentina - ngày 24/3/1976 - lật đổ Tổng thống Isabel Maria Estela Martinez de Peron (nữ Tổng thống đầu tiên ở Mỹ Latinh) sau khi bà lên thay chồng (là Tổng thống Juan Domingo Peron) khi ông qua đời ngày 1/7/1974. Những người bị kết tội bao gồm 6 sĩ quan quân đội, 3 cảnh sát và một cựu bộ trưởng đều đã từng phục vụ dưới thời độc tài quân sự. Có 468 nhân chứng, nhiều người từng bị bắt cóc và tra tấn dã man trong giai đoạn 1974 – 1979 tại 4 nhà tù bí mật ở thủ đô Buenos Aires, đã được tòa triệu tập tham gia quá trình xét xử. Nhiều người trong số các bị cáo đang bị quản thúc tại gia do tuổi cao và có người đã được dẫn độ về Argentina để phục vụ điều tra.
Vụ án đã được bắt đầu xét xử từ tháng 10/2020 tới nay. Trong thời gian đó, 6 trong số 18 bị cáo của vụ án đã qua đời, trong đó có Miguel Osvaldo Etchecolatz, cựu Giám đốc điều tra Cơ quan Cảnh sát Buenos Aires. Etchecolatz, từng bị kết 9 án tù chung thân vì tội diệt chủng, đã chết vào năm 2022. Trong số 605 nạn nhân bị bắt cóc, tra tấn và sát hại của vụ án này, 373 người còn sống sót, 189 người mất tích và 31 người bị sát hại.
Cuộc đảo chính quân sự ngày 24/3/1976 mở đầu cho thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử đương đại Argentina. Trong giai đoạn này, hơn 30.000 người đã mất tích, 500 trẻ em đã bị bắt cóc khi bố mẹ các em bị giết hại. Chế độ độc tài khi đó đàn áp, bắt cóc, tra tấn và thủ tiêu những người được cho là thuộc phe cánh tả, cũng như người thân của họ. Cho tới nay, gia đình các nạn nhân vẫn tiếp tục yêu cầu Chính phủ Argentina thực thi công lý.
Kể từ năm 2006, cơ quan tư pháp Argentina đã tuyên 321 bản án liên quan tới gần 1.200 kẻ phạm tội diệt chủng có tổ chức, thành viên của chính phủ độc tài quân sự. Hiện vẫn còn 17 vụ đang trong quá trình luận tội và 62 vụ khác đang điều tra để đưa ra xét xử.