Argentina và Tây Ban Nha ngày 26/9 đã thỏa thuận phối hợp hành động để yêu cầu Anh đàm phán về chủ quyền đối với quần đảo Malvinas tranh chấp với Argentina, và vùng lãnh thổ Gibraltar tranh chấp với Tây Ban Nha, theo các nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ).
Vùng lãnh thổ Gibraltar. Ảnh: Duquesa |
Trong một thông cáo báo chí, Bộ ngoại giao Argentina cho biết thỏa thuận trên đã được Bộ trưởng ngoại giao Argentina Héctor Timerman và người đồng cấp Tây Ban Nha José Manuel García-Margallo đạt được nhân dịp dự khóa họp lần thứ 68 Đại hội đồng LHQ tại New York.
Tháng trước Anh đã bác bỏ đề xuất của Tây Ban Nha tiến hành đối thoại song phương về chủ quyền Gibraltar, vùng lãnh thổ mà Madrid đã nhượng cho London theo một hiệp ước ký từ cách đây khoảng 300 năm.
Tranh chấp về chủ quyền vùng lãnh thổ này lại bùng nổ hồi tháng 7 sau khi chính quyền vùng lãnh thổ ở Địa Trung Hải này cho thả các khối bê tông xuống vùng biển tranh chấp để xây dựng rạn san hô nhân tạo.
Tây Ban Nha cáo buộc hành động này đã cản trở hoạt động đánh bắt cá của ngư dân nước này.
Theo Tây Ban Nha, trong thập kỷ 60 của thế kỷ trước, LHQ đã yêu cầu hai nước giải quyết bất đồng trên cơ sở song phương. Thế nhưng các cuộc đàm phán bị sa lầy do hai bên không thống nhất được vai trò của người dân sinh sống tại Gibratar trong các cuộc thương thuyết.
Mặc dù chỉ rộng 6,8 km2 và có 30.000 dân, Gibraltar có vai trò quan trọng, bởi nó án ngữ lối vào Địa Trung Hải duy nhất từ Đại Tây Dương.
Trong khi đó, Argentina đòi chủ quyền đối với Malvinas bị Anh kiểm soát từ năm 1833 và đặt tên là Falkland. Mặc dù từ năm 1965, LHQ đã thông qua hàng chục nghị quyết kêu gọi hai bên đàm phán giải quyết bất đồng, Anh luôn từ chối thương thảo với lý do tôn trọng quyền và nguyện vọng của người dân trên quần đảo là lãnh thổ này thuộc chủ quyền của Anh.
Tuy nhiên, Argentina phản đối lập luận trên, vì sau khi chiếm đóng Malvinas, Anh đã trục xuất người Argentina và đưa người Anh tới sinh sống nên nguyện vọng trên chỉ là nguyện vọng của những “kẻ thực dân”.
Malvinas rộng khoảng 12.000 km2, nhưng chỉ có 3.000 người dân sinh sống. Vùng biển của Malvinas được cho là có trữ lượng dầu khí khổng lồ.
Cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước năm 1982 đã khiến hơn 900 binh lính bị thiệt mạng, phần lớn là của Argentina.
Quang Sơn (Phóng viên TTXVN tại Argentina)