Các tổ chức quốc tế và các nhà sản xuất vaccine toàn cầu đã thừa nhận thực tế trên sau khi suy xét về cách thức đẩy nhanh việc sản xuất vaccine ngừa COVID-19.
Khởi đầu từ con số 0 khi đại dịch bắt đầu bùng phát, các hãng sản xuất vaccine hy vọng có thể sản xuất khoảng 10 tỷ liều vaccine các loại ngừa COVID-19 trong năm nay, gấp đôi tổng công suất sản xuất tất cả các loại vaccine trong năm 2019.
Trả lời họp báo sau cuộc họp trực tuyến về cách thức đẩy nhanh việc sản xuất vaccine ngừa COVID-19, người đứng đầu Liên đoàn quốc tế các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm (IFPMA) Thomas Cueni nhận định: "Đây là sự gia tăng sản xuất lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến". Tuy nhiên, ông Cueni thừa nhận áp lực của việc mở rộng sản xuất quy mô lớn này bắt đầu lộ rõ khi cần có hàng trăm loại nguyên liệu thô để sản xuất vaccine. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến "sự tắc nghẽn" đòi hỏi phải được giải quyết khẩn cấp.
Cuộc họp trên do tổ chức tư vấn Chatham House phối hợp với IFPMA và sáng kiến phân phối vaccine công bằng COVAX tổ chức, quy tụ các đại diện chính phủ, các hãng dược phẩm và nhà khoa học. Trong một tuyên bố, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho biết bà đã tham gia cuộc họp và kêu gọi các nhà sản xuất vaccine nỗ lực hơn nữa để tăng năng suất tại các nước đang phát triển. Bà mô tả tình trạng bất bình đẳng hiện nay trong việc tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 ở các nước giàu và nước nghèo hơn là "vô lương tâm".
Việc sản xuất vaccine ngừa COVID-19 không chỉ đòi hỏi một số lượng nguyên liệu lớn chưa từng thấy, mà còn cả các vật tư khác như thủy tinh để sản xuất lọ đựng và nhựa để sản xuất nắp đậy, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị gián đoạn do dịch bệnh. Liên minh vì Đổi mới Phòng chống dịch bệnh (CEPI), đồng điều hành COVAX cùng với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh vaccine (Gavi), đã nhận thấy áp lực ngày càng gia tăng trong các chuỗi cung ứng.
Theo người đứng đầu CEPI Richard Hatchett, các công ty đã "bắt đầu báo cáo tình trạng thiếu nguyên liệu chủ chốt, nguyên liệu thô, các vật tư quan trọng, thậm chí cả thiết bị cần thiết cho việc sản xuất vaccine". Thực trạng này đã khiến một số nước phải cân nhắc triển khai một số biện pháp như áp đặt kiểm soát xuất khẩu vaccine, điều mà ông Hatchett cảnh báo có thể để lại hậu quả trong một thế giới kết nối, đẩy toàn bộ chuỗi ung ứng vào tình thế rủi ro. Ông đặc biệt lưu ý việc sử dụng Đạo luật Sản xuất quốc phòng Mỹ nhằm chống dịch COVID-19, về cơ bản là dự trữ các mặt hàng chỉ dành cho sản xuất ở Mỹ. Nếu những mặt hàng này trở nên thiếu hụt và không thể thay thế đối với các nhà sản xuất bên ngoài nước Mỹ, điều này sẽ gây gián đoạn việc sản xuất vaccine tại các cơ sở bên ngoài Mỹ. Ông nhấn mạnh: "Đây thực sự là vấn đề".
Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp trên, các nhà tổ chức đã kêu gọi thúc đẩy "dòng chảy tự do hàng hóa và lực lượng lao động" để đảm bảo công tác sản xuất vaccine. Các nhà tổ chức cũng khuyến khích tiếp tục chuyển giao công nghệ và thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các hãng dược phẩm và nhà sản xuất nhằm mở rộng quy mô sản xuất, tương tự thỏa thuận mà hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) đạt được với Viện Huyết thanh của Ấn Độ.