Để phòng ngừa các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, Maroc đã đình chỉ tất cả các chuyến bay với Ba Lan, Na Uy, Phần Lan, Hy Lạp, Liban và Kuwait. Theo Cơ quan quản lý các sân bay quốc gia Maroc, quyết định trên cũng ảnh hưởng đến các chuyến bay từ 26 quốc gia đến Maroc do các hạn chế hàng không.
Theo Bộ Y tế Maroc, hiện nước này đã ghi nhận tổng cộng 486.833 ca mắc bệnh và 8.695 ca tử vong, kể từ trường hợp đầu tiên được báo cáo vào tháng 3/2020. Ngoài ra, 473.208 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh.
Maroc đã áp đặt tình trạng khẩn cấp về y tế từ tháng 3/2020 và sẽ được kéo dài đến ngày 10/4 tới, trong khi đó lệnh giới nghiêm ban đêm sẽ kéo dài đến giữa tháng 3 này. Biên giới Maroc đang được lệnh đóng cửa, dù nhiều chuyến bay thường xuyên vẫn hoạt động ở quốc gia này. Chiến dịch tiêm chủng miễn phí cho những người trên 18 tuổi (khoảng 25 triệu người) diễn ra từ ngày 29/1 nhằm mục đích dần dần đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Hiện Maroc đang sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca (Anh) và hãng Sinopharm (Trung Quốc). Nước này cũng dự định đa dạng hóa nguồn cung với vaccine Sputnik V của Nga và vaccine của hãng Johnson&Johnson (Mỹ). Dịch bệnh COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế của Maroc, đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở nước này tăng lên mức 11,9% vào năm 2020, so với mức 9,2% của năm 2019.
Ngày 9/3, Sudan đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19. Các nhân viên y tế tại bệnh viện cách ly Jabra ở thủ đô Khartoum là những người đầu tiên được tiêm vaccine của hãng dược phẩm AstraZeneca. Tiếp đó, kể từ ngày 15/3 đến 15/5, chiến dịch tiêm chủng sẽ mở rộng tới những người trên 45 tuổi mắc bệnh mãn tính. Dự kiến, sẽ có khoảng 3,5% dân số Sudan nằm trong diện được tiêm chủng trong giai đoạn đầu.
Sudan trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi được hưởng lợi từ cơ chế COVAX sau khi nhận được 828.000 liều vaccine của hãng AstraZeneca ngày 3/3 vừa qua. Khartoum hy vọng sẽ nhận được phần còn lại trong tổng số 3,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 thông qua cơ chế COVAX trong quý 2 năm nay. Theo số liệu mới nhất, Sudan đến nay đã ghi nhận tổng cộng hơn 28.000 ca COVID-19, trong đó có hơn 1.900 người tử vong.
Cũng trong ngày 9/3, Bộ trưởng Y tế Tunisia Faouzi Mehdi cho biết nước này đã nhận được lượng lớn vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, mở đường cho việc bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào tuần này.
Ông Faouzi đã có mặt ở thủ đô Tunis để tiếp nhận 30.000 liều trên tổng số 500.000 liều vaccine Sputnik-V của Nga đã đặt mua. Trước đó, Chính phủ Tunisia đã thông báo sẽ nhận khoảng 93.600 liều vaccine của các hãng Pfizer/ BioNTech và AstraZeneca/Oxford từ giữa tháng 2/2021. Tuy nhiên, việc giao vaccine theo cơ chế COVAX đã bị trì hoãn, khiến Tunisia đã phải nhận vaccine muộn hơn gần một tháng so với dự kiến.
Một quan chức khác của Bộ Y tế cho biết 93.600 liều vaccine của Pfizer/BioNTech dự kiến sẽ được chuyển đến Tunisia, trong khi khoảng 600.000 liều vaccine của hãng AstraZeneca sẽ được chuyển giao vào cuối tháng 3/2021. Sau khi vaccine Sputnik-V được phân phối cho các trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc, các nhân viên y tế sẽ được ưu tiên sử dụng đầu tiên.
Tunisia sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 vào ngày 13/3, với mục tiêu tiêm phòng cho khoảng 50% trên tổng số 11 triệu dân nước này. Hiện Tunisia đã ghi nhận hơn 238.000 trường hợp mắc COVID-19, trong đó hơn 8.200 người tử vong.