Trước đó, tập đoàn kinh doanh dịch vụ du thuyền P&O Cruises tuyên bố chỉ chấp nhận những hành khách đã tiêm phòng COVID-19 cho các chuyến du lịch quanh nước Anh trong mùa Hè này. Trả lời phỏng vấn, Quốc vụ khanh Kwarteng khẳng định chính phủ đang thảo luận cách thức tốt nhất để triển khai "hộ chiếu vaccine", đồng thời xem xét diễn biến dịch bệnh trước khi đưa ra chính sách mới về du lịch.
Việc số ca nhiễm tăng lên tại một số khu vực của châu Âu có nguy cơ khiến kế hoạch của Anh về mở lại các tuyến du lịch quốc tế từ giữa tháng 5 sẽ bị chậm lại. Về kế hoạch tiêm phòng COVID-19, Quốc vụ khanh Kwarteng ước tính đến cuối tuần này, hơn một nửa người trưởng thành tại Anh sẽ được tiêm mũi đầu vaccine ngừa COVID-19, trong bối cảnh chương trình tiêm chủng đang diễn ra đúng tiến độ.
* Tại Australia, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt tuyên bố giai đoạn 1B của chương trình tiêm phòng COVID-19, với gần 6 triệu người được tiêm chủng, sẽ cần có thời gian. Bộ trưởng Hunt cho biết ông chưa ghi nhận các vấn đề kỹ thuật trong các báo cáo về hệ thống đặt lịch tiêm trực tuyến. Do đó, ông kêu gọi người dân nước kiên nhẫn chờ đến lượt. Cho đến nay, ước tính hơn 200.000 người dân Australia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Trước đó, Chính phủ Australia đã đặt mục tiêu đến cuối tháng 3 có thể tiêm phòng cho 4 triệu dân. Theo kế hoạch, kể từ đầu tuần tới, hơn 1.000 nhân viên y tế trên khắp Australia sẽ bắt đầu tiêm chủng ngừa COVID-19 trong khuôn khổ giai đoạn 1B của chương trình tiêm phòng. Những người được ưu tiên tiêm phòng trong giai đoạn này bao gồm người cao tuổi, có bệnh lý nền, thổ dân Australia và những người làm công việc ở tuyến đầu có nguy cơ cao mắc bệnh.
* Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, tối 16/3, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chỉ định bà Or Vandine, Quốc vụ khanh, người phát ngôn Bộ Y tế giữ chức Chủ tịch Ủy ban tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhằm đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine tại nước này.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Hun Sen, Ủy ban tiêm vaccine ngừa COVID-19 Campuchia sẽ có 8 Phó Chủ tịch với các nhiệm vụ: xây dựng kế hoạch tổng thể để tiếp tục các bước đang triển khai; chịu trách nhiệm về công tác tiêm vaccine cho nhân dân, quân đội và công an; làm công tác điều phối với các đối tác phát triển trong nước và quốc tế, Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các đại sứ quán tại Campuchia về công tác tiêm phòng COVID-19 và các công việc liên quan khác. Về thẩm quyền, bà Or Vandine được quyền lựa chọn các chức danh Phó Chủ tịch, Ủy viên của Ủy ban và thành lập các tiểu ban ở thủ đô Phnom Penh và các tỉnh của Campuchia.
Thủ tướng Hun Sen cho hay trong thời gian tới, có khả năng Campuchia sẽ tiếp nhận thêm khoảng 1,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Campuchia sẽ ưu tiên cho giáo viên tại Phnom Penh và các tỉnh Kandal, Preah Sihanouk, Koh Kong, Prey Veng được tiêm phòng trước. Tiếp đó, chính quyền sẽ cân nhắc phân bổ vaccine cho tiểu thương buôn bán nhỏ ở các chợ, công nhân và các đối tượng quan trọng khác.
Theo Bộ Y tế Campuchia, Campuchia có tổng cộng 1.505 ca mắc COVID-19, trong đó 840 người đã phục hồi và 1 ca tử vong.
* Tại Nhật Bản, kết quả khảo sát trực tuyến do Đại học Y Tokyo tiến hành vào tháng 1 vừa qua cho thấy có 62,1% số người được hỏi mong muốn được tiêm phòng COVID-19. Đáng chú ý, phụ nữ và giới trẻ có xu hướng ít chấp nhận vaccine hơn. Cụ thể, chỉ có 56,4% phụ nữ muốn tiêm phòng, thấp hơn so với tỷ lệ 68% ở nam giới. Xét theo độ tuổi, 54,5% số người trong độ tuổi 20-49 muốn tiêm phòng, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 74,5% trong nhóm từ 65 tuổi trở lên. Điều này đòi hỏi chính phủ cần nỗ lực thuyết phục và nâng cao hiểu biết của phần lớn người dân về mức độ an toàn của vaccine, từ đó tăng tỷ lệ tiêm phòng và nâng mức miễn dịch cộng đồng.
Cuộc khảo sát trên được tiến hành từ ngày 14-18/1 vừa qua và nhận được phản hồi của 2.956 trên tổng số 3.000 người. Vào thời điểm đó, số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản đang ở mức cao, khi nước này ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày là 7.949 ca vào ngày 8/1 vừa qua. Tình hình dịch bệnh đã buộc Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và một số khu vực khác.
Kết quả trên cũng tương tự như cuộc khảo sát do hãng tin Kyodo tiến hành vào tháng 2 vừa qua, với 63,1% số người được hỏi tuyên bố sẵn sàng tiêm phòng. Trong khi đó, phụ nữ trong nhóm độ tuổi từ 40-50 là những người tỏ ra thận trọng nhất.