Ngày 18/11, Anh chính thức ra mắt nhóm đặc nhiệm do Hiệp hội cảnh sát trưởng Anh (ACPO) đứng đầu, nhằm tuyên chiến với nạn trộm cắp tác phẩm nghệ thuật và cổ vật đang diễn ra ngày một nghiêm trọng ở “Xứ sở sương mù”.
Tác phẩm điêu khắc cao 2 m bằng đồng của Bá tước Barbara Hepworh (trái) và khi bị mất. |
Theo giới chức cảnh sát, giá trị các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp ở Anh hiện lên tới hơn 300 triệu bảng/năm. Nạn buôn bán các tác phẩm nghệ thuật và cổ vật bị đánh cắp giờ đây mang lại cho các tổ chức tội phạm nguồn lợi nhuận lớn thứ hai chỉ sau buôn bán ma túy. Các vụ trộm cắp nhắm vào những mục tiêu trưng bày tại bảo tàng, thư viện, nhà riêng, thậm chí cả những nơi trưng bày công cộng, diễn ra ngày càng táo tợn và chuyên nghiệp, là thách thức đối với các cơ quan chức năng trong việc trấn áp nạn tội phạm này.
Số liệu từ Cơ quan thống kê các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp Anh cho thấy, khoảng 60.000 vật phẩm là các bức tranh hoặc đồ vật cổ đã bị thất lạc, đánh cắp hoặc bị cướp tại Anh kể từ những năm 1990 trở lại đây. Vụ mất trộm tiêu biểu nhất trong số đó phải kể đến họa phẩm nổi tiếng “Madonna with the Yarnwinder” có giá khoảng 30 triệu bảng của danh họa nổi tiếng thời Phục Hưng Leonardo Da Vinci, bị đánh cắp khỏi nhà Công tước Buccleuch ở Scotland năm 2003. Năm ngoái, kẻ trộm đã khoét tường một bảo tàng ở Durham và lấy đi số cổ vật trị giá 2 triệu bảng, trong đó có một bức tượng sứ và một chiếc bát bằng ngọc bích từ thế kỷ 18.
Bức tranh nổi tiếng “Madonna with the Yarnwinder”. |
Không ít tác phẩm nghệ thuật trưng bày công cộng như tại công viên, vườn cũng đã trở thành “mồi ngon” cho kẻ trộm. Năm 2011, một tác phẩm điêu khắc cao 2 mét bằng đồng của Bá tước Barbara Hepworth đã bị mất ở Công viên Dulwich ở phía nam thủ đô London. Một số tác phẩm tượng của nghệ nhân Henry Moore, trong đó có những bức giá trị tới 500.000 bảng, cũng "không cánh mà bay".
Cảnh sát trưởng tỉnh Hertfordshire, phụ trách mảng tội phạm văn hóa và di sản của ACPO Andy Bliss, cho biết nạn đánh cắp tác phẩm nghệ thuật và cổ vật ở Anh đang diễn ra ở mức đáng lo ngại, và các tổ chức tội phạm có thể dùng số tiền có được từ buôn bán những tác phẩm bị trộm cắp này để đầu tư cho các hoạt động tội phạm khác như buôn bán vũ khí, ma túy…
Được biết, nhóm đặc nhiệm mới thành lập để trấn áp nạn tội phạm này sẽ có sự tham gia của cả đại diện Cơ quan Di sản Anh (EH) và Cơ quan Tội phạm quốc gia (NCA). Chiến lược hành động của nhóm sẽ bao gồm cả việc chia sẻ dữ liệu tình báo và liên kết giữa các cơ quan cảnh sát các tỉnh, thành trên khắp nước Anh.
Đỗ Sinh (P/v TTXVN tại Anh)