Trước đó, ngày 8/12, Anh đã ghi nhận 131 ca mới nhiễm biến thể Omicron.
Phát biểu họp báo tối 8/12 theo giờ địa phương, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết tỷ lệ lây nhiễm biến thể Omicron tại nước này có thể tăng gấp đôi trong 2-3 ngày tới.
Về phần mình, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid dự báo nước này có thể ghi nhận khoảng 1 triệu ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng vào cuối năm nay.
Ngày 9/12, Anh ghi nhận 50.867 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 10.660.981 ca. Phần lớn số ca mắc được cho là nhiễm biến thể Delta. Ngoài ra, có thêm 148 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 146.135 ca.
Thủ tướng Johnson đã thông báo triển khai "Kế hoạch B" với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn nhằm ngăn chặn đà lây lan của biến thể mới Omicron trong mùa Đông này. Theo đó, người dân được yêu cầu chuyển sang hình thức làm việc từ xa, đeo khẩu trang ở nơi công cộng và sử dụng hộ chiếu vaccine.
Các số liệu cập nhật cũng cho thấy hơn 89% người từ 12 tuổi trở lên tại Anh đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và hơn 81% đã được tiêm phòng đầy đủ. Ngoài ra, hơn 37% đã được tiêm mũi tăng cường.
Cùng ngày 9/12, Bộ Y tế Ireland thông báo nước này ghi nhận thêm 5 ca nhiễm mới biến thể Omicron, nâng tổng số lên 6 ca.
Ông Tony Holohan, quan chức Bộ Y tế Ireland ra tuyên bố nêu rõ trong những ngày tới quốc gia châu Âu này có khả năng sẽ ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm biến thể Omicron. Ông nhấn mạnh dù đây là một biến thể mới, nhưng những thông ban đầu mà giới chức nước này nắm được củng cố thêm niềm tin rằng một mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 sẽ có thể tạo “lá chắn” tốt phòng chống lây nhiễm cả biến thể Omicron và biến thể Delta. Do vậy, ông Holohan kêu gọi những người đủ điều kiện đi tiêm mũi tăng cường.
Hiện Ireland đang tiến hành tiêm mũi vaccine tăng cường cho người từ 50-59 tuổi. Tính đến nay đã có hơn 1 triệu mũi tăng cường được tiêm tại quốc gia Bắc Âu này.
Tại châu Phi, Bộ trưởng Y tế Malawi Khumbize Chiponda ngày 9/12 cho biết nước này đã ghi nhận 3 ca nhiễm biến thể Omicron và chính phủ đã siết chặt các biện pháp tại tất cả các điểm nhập cảnh vào quốc gia Đông Phi này.
Phát biểu họp báo tại thủ đô Lilongwe, Bộ trưởng Chiponda nêu rõ qua giải trình tự gene 12 mẫu xét nghiệm thu thập từ ngày 9/11-2/12, cơ quan chức năng đã xác định 3 trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Trước tình hình đó, Bộ Y tế Malawi đã tăng cường kiểm tra du khách tại tất cả các cửa khẩu để ngăn chặn các ca nhập cảnh mắc COVID-19.
Bộ Y tế Malawi cũng đã ban hành thêm nhiều biện hạn chế, trong đó có việc yêu cầu du khách nhập cảnh phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm COVID-19 âm tính được thực hiện theo phương pháp xét nghiệm PCR không quá 72 giờ trước thời điểm nhập cảnh. Ngoài ra, tất cả du khách, kể cả công dân Malawi, khi nhập cảnh đều phải xuất trình chứng nhận tiêm phòng đầy đủ vacine ngừa COVID-19. Các trường hợp không xuất trình được chứng nhận này sẽ được tiêm miễn phí vaccine ngừa COVID-19 ngay tại điểm nhập cảnh trước khi được phê duyệt thủ tục vào Malawi. Nếu từ chối tiêm phòng, người nhập cảnh sẽ phải tuân thủ quy định cách ly tự trả phí trong 10 ngày.
Cũng trong cuộc họp báo trên, Bộ trưởng Chiponda kêu gọi người dân hoãn tổ chức tiệc Giáng sinh để đảm bảo an toàn phòng dịch.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Malawi vào tháng 4/2020, đến nay nước này đã ghi nhận tổng cộng 62.053 ca mắc, trong đó có 2.307 ca tử vong.
Hôm 25/11 vừa qua, Nam Phi thông báo lần đầu tiên phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, các dữ liệu cập nhật cho thấy biến thể này đã lưu hành từ trước đó. Cho đến nay, gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron. Các nhà khoa học trên toàn cầu đang khẩn trương xác định độc lực và khả năng lây lan của biến thể mới này so với các biến thể trước.