Phóng viên TTXVN tại London dẫn thông báo của UKHSA cho biết vào thời điểm hiện tại, nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng vẫn còn thấp và 2 bệnh nhân mới đang được chăm sóc chuyên khoa trong bệnh viện. Cơ quan y tế đang tiến hành theo dõi những người tiếp xúc với cả 3 ca bệnh để tiến hành xét nghiệm, tiêm vaccine và tư vấn y tế khi cần thiết.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Anh Wes Streeting cho biết chính phủ đang hợp tác với UKHSA và Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ người dân và ngăn ngừa lây truyền bệnh. Ngoài ra, cơ quan y tế Anh cũng đang hợp tác với các đối tác quốc tế để hỗ trợ các quốc gia bị dịch bệnh ảnh hưởng nhằm ngăn ngừa các đợt bùng phát tiếp theo.
Theo giới chuyên gia y tế của UKHSA, bệnh đậu mùa khỉ lây lan giữa người với người thông qua tiếp xúc trực tiếp với các vết phát ban và tổn thương da do virus gây ra. Do đó, các hành vi như quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc qua da có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm bệnh. Ngoài ra, còn có một số nguy cơ lây nhiễm khác khi tiếp xúc với dịch cơ thể như nước bọt hoặc nước mũi; tiếp xúc với khăn trải giường, khăn tắm hoặc quần áo; và khả năng lây nhiễm qua tiếp xúc gần và kéo dài như nói chuyện, ho hoặc hắt hơi.
Báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi cho biết, tính đến cuối tháng 9 vừa qua, các nước châu Phi đã ghi nhận 40.000 trường hợp mắc đậu mùa khỉ, với các chủng Clade Ia, Ib và II, trong đó có gần 1.000 ca tử vong. Trước đó, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu vào ngày 14/8, sau khi bệnh đậu mùa khỉ bùng phát mạnh ở các nước châu Phi và đặc biệt là sau sự xuất hiện của biến thể Clade Ib được cho là có khả năng lây lan nhanh và có nguy cơ gây tử vong cao hơn so với các biến thể đã biết. Những tháng gần đây, chủng Clade Ib đang lưu hành rộng rãi ở Cộng hòa Dân chủ Congo.