Trong chuyến thăm Mỹ hai ngày từ 4-5/5, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh, Đô đốc Tony Radakin cho biết việc Anh và Mỹ cùng phối hợp triển khai Nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là minh chứng cho sức mạnh của mối quan hệ đặc biệt “trong một thế giới ngày càng cạnh tranh” và cam kết duy trì tự do hàng hải tại khu vực.
Đô đốc Radakin cho biết Anh có kế hoạch tăng cường sự hiện diện của hải quân ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi chiến lược “nghiêng” về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Anh được công bố trong Đánh giá Tích hợp về Quốc phòng, An ninh, Phát triển và Ngoại giao của Anh vào tháng 3 vừa qua, qua đó công nhận sức mạnh kinh tế của khu vực với việc vào năm 2040 đến 2050, 40% GDP của thế giới sẽ được tập trung ở khu vực này.
Đô đốc Radakin khẳng định cam kết của Anh nhằm hướng tới khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rông mở, cho phép thương mại và thịnh vượng phát triển và tồn tại trên khắp thế giới".
Việc triển khai Nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth là hoạt động triển khai sức mạnh hải quân và không quân lớn nhất của Vương quốc Anh kể từ sau cuộc chiến tại quần đảo Falklands (mà Argentina gọi là Malvinas) năm 1982 giữa Anh và Argentina. Đây cũng là chuyến hải trình quốc tế đầu tiên của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth vừa mới được đóng mới. Tham gia cùng lực lượng hải quân Anh, Mỹ cũng cử một biên đội máy bay tiêm kích đa năng F35-B Lighting II thế hệ 5 của Thủy quân lục chiến Mỹ và tàu khu trục USS The Sullivans (DDG68).
Tàu HMS Queen Elizabeth cùng biên đội tàu hộ tống dự kiến sẽ thực hiện chuyến hải trình tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào ngày 24/5 tới, ghé thăm 40 quốc gia với tổng quãng đường khoảng 26.000 hải lý. Tàu sẽ xuất phát từ cảng Portsmouth, di chuyển tới Gibraltar trước khi đi qua Địa Trung Hải đến Kênh đào Suez. Sau đó, tàu HMS Queen Elizabeth sẽ đi đến Duqm, căn cứ của Anh ở Oman, trước khi di chuyển qua Ấn Độ Dương tới thăm cảng tại Singapore, qua Biển Đông và đến Nhật Bản để tập trận chung với Nhật Bản và Mỹ.