Theo tuyên bố của bộ trên, Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel trong chuyến thăm miền Bắc nước Pháp hồi tháng 8 vừa qua đã nhất trí với người đồng cấp Pháp Christophe Castaner rằng London sẽ hỗ trợ tài chính giúp ngăn chặn các vụ vượt biển đầy nguy hiểm và bất hợp pháp này.
Theo kế hoạch chung giữa hai nước đã được triển khai vào ngày 28/9 vừa qua, lính dự bị của hiến binh Pháp sẽ tăng cường tuần tra dọc bờ biển miền Bắc, quanh thành phố cảng Calais. Anh đã cam kết bổ sung 7 triệu euro (khoảng 7,7 triệu USD) dành cho nỗ lực của Pháp ngăn chặn dòng người di cư trái phép.
Trong tuyên bố, ông Castaner nêu rõ: "Việc thúc đẩy kế hoạch hành động này đánh dấu một cấp độ can dự mới và rất cụ thể của Vương quốc Anh. Việc này cần thiết hơn bao giờ hết nhằm ngăn chặn làn sóng di cư trái phép, không chỉ làm giảm áp lực về người di cư mà còn tránh để xảy ra các thảm họa nhân đạo mới".
Trước đó, ngày 14/10, thi thể của 2 thanh niên Iraq được phát hiện dạt tới bờ biển thị trấn Le Touquet, miền Bắc nước Pháp. Đây là lần đầu tiên phát hiện thi thể người di cư tại khu vực này, trong bối cảnh trong thời gian gần đây, bất chấp những nguy hiểm trên tuyến hàng hải đông đúc tàu thuyền qua lại eo biển Manche, nước chảy siết và thời tiết lạnh, nhiều người tị nạn vẫn mạo hiểm tìm đường đến Anh với điểm xuất phát là từ Pháp. Anh là nước có quan điểm không khoan nhượng đối với người di cư kinh tế - chỉ những người di cư chỉ để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn.
Giới chức địa phương ở miền Bắc nước Pháp cho biết, trong tháng 8 vừa qua có 1.473 người di cư được cho là đã cố vượt eo biển Manche để đến Anh, so với 586 người của tháng 8/2018.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, cảnh sát biển thuộc Hải quân Hoàng gia Maroc đã giải cứu 329 người di cư bất hợp pháp trên Địa Trung Hải trong khoảng thời gian từ ngày 10-13/10.
Phần lớn trong số đó, bao gồm cả nhiều phụ nữ và trẻ em, từ các nước thuộc khu vực Nam sa mạc Sahara. Những người này đã được vận chuyển an toàn đến các cảng Tangier, Al Hoceima, Nador và Ksar Sghi và đang được chăm sóc .
Hiện nay mỗi ngày, Hải quân Hoàng gia Maroc liên tục giải cứu nhiều người di cư bất hợp pháp trên Địa Trung Hải. Moroc nằm cách Tây Ban Nha 14 km đường biển nên nhiều người di cư coi đây là cửa ngõ quan trọng để vượt biên sang châu Âu.