Theo văn kiện trên, Anh "cam kết vô điều kiện" duy trì an ninh châu Âu, mong muốn đóng góp quân sự đối với các hoạt động của EU hậu Brexit, và có thể sẽ đề nghị các nước EU tiếp tục trao đổi thông tin mật.
Văn kiện nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì các lĩnh vực vốn được coi là trọng tâm trong chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh cũng như phát triển cơ sở hạ tầng trong đó bao gồm việc duy trì việc chia sẻ thông tin nhạy cảm nhằm đối phó với các mối đe dọa chung và duy trì các giá trị.
Tòa nhà Quốc hội Anh ở London. Ảnh: AFP/TTXVN |
Giới chức Anh lâu nay vẫn luôn nhấn mạnh nước này có ngân sách quốc phòng và phát triển lớn nhất châu Âu, do đó, London có thể đề nghị hỗ trợ an ninh và quốc phòng cho EU. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nêu rõ "trong bối cảnh các mối đe dọa và mất ổn định quốc tế gia tăng, Anh vẫn kiên quyết duy trì cam kết hỗ trợ an ninh châu Âu".
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trong một tài liệu công bố mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã bày tỏ quan ngại Brexit có thể đe dọa đến vấn đề chỉ dẫn địa lý - một yếu tố chủ chốt trong chương trình chất lượng thực phẩm châu Âu, đồng thời kêu gọi Anh bảo đảm bảo hộ các loại thực phẩm được dán nhãn theo các chỉ dẫn địa lý, thực thi quyền bảo hộ trí tuệ của những nhà sản xuất châu Âu.
Văn kiện cho rằng đối với trường hợp các chỉ dẫn địa lý được bảo vệ, Anh cần thiết lập các quy định để đảm bảo tiếp tục thực thi chương trình này trong tương lai. Việc tiếp tục chính sách bảo hộ về chỉ dẫn địa lý đòi hỏi sự tương đồng giữa các quy định của phía Anh với các luật lệ của châu Âu và các chỉ dẫn địa lý đã được thừa nhận phải được công nhận tự động tại Anh sau Brexit.
Thống kê cho thấy hiện có tới hơn 1.402 chỉ dẫn đã được công nhận và bảo vệ trong khuôn khổ các chương trình "Tên gọi chỉ rõ xuất xứ được bảo vệ", "Các chỉ dẫn địa lý được bảo vệ" và "Các đặc sản truyền thống được bảo đảm", bao gồm các loại vang, rượu mạnh và nhiều loại nông sản khác.
Các nhãn mác công nhận chất lượng của các sản phẩm gắn với yếu tố địa lý hay truyền thống đặc trưng có thể đảm bảo cho người tiêu dùng về tính xác thực và chất lượng, đồng thời các yếu tố này cho phép nhà sản xuất có thể bán sản phẩm của mình với giá cao hơn.
Các vấn đề về chỉ dẫn địa lý đều được EU đặt ra khi đàm phán mở rộng quan hệ thương mại với các đối tác như Canada, Mỹ và Trung Quốc. Với tài liệu hướng dẫn này, Brussels hy vọng có thể đưa ra được một thông điệp mạnh mẽ nhằm ngăn ngừa tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.