Theo trang oilprice.com, một trong số những điều lạc quan thể hiện qua việc Chính phủ Hà Lan thông báo rằng sẽ hoãn khai thác mỏ khí đốt trên đất liền lớn nhất châu Âu Groningen vì các dự báo cho thấy không cần thêm khí đốt nữa.
Tuy nhiên, thực tế có thể khó dự đoán hơn. Khi xung đột ở Ukraine kéo dài và các lệnh trừng phạt dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU) sắp có hiệu lực, thị trường có khả năng hướng tới một viễn cảnh u ám.
Trong bối cảnh hiện nay, khí đốt tự nhiên của Nga sẽ vẫn chảy tới châu Âu trong vài tháng tới, mặc dù ở mức rất thấp. Đồng thời, châu Âu cũng có nguồn cung mới, không chỉ là nguồn LNG nhập khẩu mà còn cả khí đốt được vận chuyển qua đường ống dẫn khí Baltic mới vừa được mở ở Ba Lan.
Tuy vậy, tinh thần lạc quan nói trên đã sớm kết thúc khi xảy ra sự cố rò rỉ và nổ với đường ống Nord Stream 1 và 2 vào ngày 27/9. Các nhà chức trách Đan Mạch đã cảnh báo các tàu thuyền tránh xa đảo Bornholm vì một vụ rò rỉ khí đốt đã xảy ra tại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Nga.
Nhà điều hành Nord Stream AG cũng cho biết Nord Stream 1 có các vấn đề về vận hành, trong đó có sự cố giảm áp ở cả hai đường ống. Ngày 26/9, cơ quan quản lý của Đức đã cho biết áp suất trong Nord Stream 2 đã giảm từ 105 xuống 7 bar. Cả hai đường ống dẫn khí đốt đã bị Nga ngừng hoạt động.
Các nhà phân tích lo ngại rằng sự cố rò rỉ và nổ trên cả hai đường ống không phải là tình cờ mà có liên quan đến sự kiện khai trương đường ống Baltic chuyển khí đốt của Na Uy đến Ba Lan. Điều khá trùng hợp là cả hai đường ống dẫn khí đốt ngoài khơi của Nga đều xảy ra sự cố cùng một lúc. Những diễn biến hiện tại đã khiến các nhà vận hành và công ty Đan Mạch phải tăng cường an ninh.
Ngày 28/9, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết EU sẽ tăng cường bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng sau các sự cố gây rò rỉ trên các tuyến đường ống dẫn khí Nord Stream.
Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel viết rằng dường như hành động phá hoại là nhằm tiếp tục gây bất ổn nguồn cung năng lượng cho EU, đồng thời nhấn mạnh những kẻ gây ra vụ việc sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Ông Alexander Sobko, nhà phân tích trong ngành dầu khí và hóa dầu của Nga, tính toán rằng lượng khí đốt trị giá hơn 2 tỷ USD có thể thoát ra sau sự cố. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu toàn bộ lượng khí đốt này đã thoát ra khỏi đường ống hay chưa.
Tuần trước, Na Uy cũng đã báo cáo phát hiện các máy bay không người lái không xác định hoạt động phía trên cơ sở hạ tầng dầu khí quan trọng ngoài khơi. Cơ quan An toàn Dầu mỏ của Na Uy (PSA) đã công khai cảnh báo về hiện diện của các máy bay không người lái không xác định gần các cơ sở dầu khí ngoài khơi.
Na Uy có vị trí an ninh năng lượng và địa chính trị ngày càng tăng đối với thị trường châu Âu. Kể từ khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Na Uy đã tăng đều đặn thị phần và khối lượng khí đốt trên thị trường châu Âu. Na Uy sẽ cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, tình hình hiện tại có thể trở nên rất bất ổn trong trường hợp xung đột ở Ukraine leo thang.
Tình hình an ninh sản xuất năng lượng ngoài khơi, đặc biệt là ở Biển Bắc, vẫn còn rất yếu. Một nhân tố tiềm tàng có thể lợi dụng tình hình và gây thiệt hại đáng kể cho thị trường năng lượng của châu Âu trong những tháng tới.
Cơ sở hạ tầng dầu khí ngoài khơi của Na Uy là một mục tiêu chiến lược và các điểm yếu của cơ sở hạ tầng năng lượng tại đây có thể bị nhắm vào trong mùa đông này. Có khả năng các đường ống dẫn dầu và khí đốt khác sẽ gặp sự cố kỹ thuật bất ngờ hoặc bị phá hoại.
Gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng của Na Uy cho châu Âu có thể khiến các kho tích trữ khí đốt tự nhiên cạn kiệt nhanh hơn. Nếu xảy ra, thị trường năng lượng vốn đã bất ổn sẽ càng thêm khó khăn.