Cơ quan An ninh Nội bộ Ba Lan (ABW) đang điều tra xem liệu đợt bùng phát bệnh "Lê dương" (Legionnaires) ở Rzeszow có thể là một hành động “phá hoại” hay không - phát ngôn viên cơ quan này cho biết ngày 25/8.
Đã có 113 ca mắc bệnh này được ghi nhận trong khu vực, từ chính thành phố Rzeszow đến thị trấn Przemysl ở biên giới với Ukraine. Bảy bệnh nhân đã tử vong. Chính quyền cho biết các nạn nhân ở độ tuổi từ 64 đến 95 và mắc các bệnh đi kèm như ung thư.
Bệnh "Lê dương" (Legionnaire, hay còn được gọi là Legionellosis)) là bệnh nhiễm trùng phổi do vi khuẩn thuộc họ Legionella gây ra. Trên lâm sàng, bệnh có nhiều thể khác nhau, thể bệnh nhẹ hơn gọi là sốt Pontiac. Bệnh nhiễm trùng này có tỷ lệ tử vong lên tới 10%, thường là ở những người mắc bệnh phổi từ trước.
Ewa Leniart, người đứng đầu chính quyền khu vực của Ba Lan, nói với đài truyền hình RMF rằng sự lây lan của vi khuẩn Legionella rất có thể bắt nguồn từ hệ thống cấp nước. Bà Leniart cho biết các mẫu đã được gửi đến phòng thí nghiệm và kết quả xét nghiệm đầu tiên sẽ có vào ngày 28/8, đồng thời cho biết thêm rằng tình hình đã được kiểm soát.
Nằm ở phía đông nam Ba Lan, cách biên giới Ukraine khoảng 100 km, Rzeszow trở thành trung tâm cho các nỗ lực của Mỹ và NATO nhằm cung cấp vũ khí, đạn dược và thiết bị cho Ukraine sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại quốc gia láng giềng này vào tháng 2/2022. Đây cũng là điểm xuất phát dành cho các nhà lãnh đạo phương Tây tới Ukraine bằng tàu hỏa, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tầm quan trọng của Rzeszow đối với nỗ lực hỗ trợ Ukraine của phương Tây dường như đã khiến Warsaw càng nghi ngờ hơn về đợt bùng phát. Chính quyền Ba Lan đã truy lùng những nghi phạm “gián điệp” trong nhiều tháng qua.
Warsaw cũng đã tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới với Belarus, viện dẫn mối đe dọa về một "cuộc chiến hỗn hợp” từ các thành viên của công ty quân sự tư nhân Wagner Group.
Vi khuẩn Legionella pneumophila được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1977, sau sự kiện bùng dịch viêm phổi ở trung tâm hội nghị tại bang Pennsylvania, Mỹ vào một năm trước đó. Vi khuẩn này được tìm thấy tự nhiên trong nguồn nước ngọt như hồ, sông, suối... Chúng có thể làm ô nhiễm các bể nước nóng, bồn tắm nước nóng, bồn phun nước công cộng, hệ thống đun nước, và tháp giải nhiệt. Vi khuẩn Legionella thường lây lan do hít giọt bắn, hơi nước, hoặc khí dung có chứa vi khuẩn. Chúng thường không lây lan qua tiếp xúc trực tiếp giữa người.
Nước Mỹ ghi nhận khoảng 13.000 trường hợp mắc bệnh mỗi năm, trong khi EU ghi nhận gần 11.000 trường hợp vào năm 2021, trong đó 704 trường hợp tử vong.
Hôm 24/8, thị trưởng Rzeszow Konrad Fijolek cho biết chính quyền đang xét nghiệm mẫu nước để tìm ra Legionella và kết quả sẽ được biết vào 28/8.
Ngày 25/8, đài phát thanh tư nhân RMF đưa tin các quan chức Cơ quan An ninh Nội địa Ba Lan đang kiểm tra hệ thống nước địa phương và cho đến nay họ không tìm thấy căn cứ nào để nghi ngờ có hành vi phá hoại.
Các quan chức thành phố đã quyết định khử trùng bằng clo và ozone trên hơn 1.000km đường ống ở Rzeszow trong ngày 26/8. Họ đảm bảo với người dân địa phương rằng nồng độ clo được sử dụng sẽ an toàn cho con người. Nhà chức trách cũng đã hướng dẫn người dân để nước máy "nghỉ" để loại bỏ một phần clo rồi đun sôi trước khi uống.