Và do đó, nền kinh tế Ấn Độ được dự báo rằng sẽ tiếp tục phát triển trong ba năm tới, dẫn đầu tăng trưởng trong khu vực.
Báo cáo của cơ quan xếp hạng tín dụng S&P Global cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024 được dự kiến đạt 6,4% - cao hơn mức dự báo 6% trước đó.
S&P lý giải nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này là nhờ xu hướng gia tăng tiêu dùng nội địa của Ấn Độ đã giúp cân bằng lạm phát lương thực và hoạt động xuất khẩu kém.
Tương tự, các thị trường mới nổi khác như Indonesia, Malaysia và Philippines sẽ ghi nhận mức tăng trưởng GDP tích cực trong năm 2023 và 2024 nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ.
S&P đã hạ triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ xuống 6,5% trong năm tài chính 2025, nhưng dự kiến tăng trưởng GDP sẽ tăng lên 7% trong năm tài chính 2026.
Để so sánh, tăng trưởng của Trung Quốc được dự đoán sẽ đạt 5,4% vào năm 2023, cao hơn 0,6% so với dự báo trước đó của S&P. Tuy nhiên, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới năm 2024 dự kiến là 4,6%, cao hơn dự báo trước đó là 4,4%.
Theo S&P, việc Trung Quốc gần đây phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ và trợ cấp cho chính quyền địa phương để giải quyết một phần hạn ngạch trái phiếu năm 2024 đã góp phần nâng mức dự báo tăng trưởng GDP thực tế.
Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo rằng tình trạng bất ổn của ngành bất động sản ở Trung Quốc sẽ tiếp tục là mối đe dọa đối với nền kinh tế nước này.
Bà Eunice Tan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tín dụng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global, cho biết: “Nhu cầu về bất động sản mới vẫn mờ nhạt, ảnh hưởng đến dòng tiền và doanh số bán đất của các nhà phát triển”.
Những cú sốc năng lượng liên quan đến cuộc chiến Israel - Hamas và nguy cơ nền kinh tế Mỹ hạ cánh cứng đã khiến cơ quan xếp hạng tín dụng trên hạ dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm tới từ 4,4% xuống 4,2%.