Trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, khi tăng trưởng ở những nền kinh tế phát triển chậm lại, Ấn Độ nổi lên như một điểm sáng của sự phát triển toàn cầu, có ảnh hưởng và đóng góp nhất định đối với việc xây dựng một trật tự kinh tế thế giới. Trên con đường hướng tới vị trí siêu cường mới nổi, Ấn Độ mới đây đã gia nhập Câu lạc bộ các nước có khả năng tự sản xuất hàng không mẫu hạm. Với tiềm lực kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Ấn Độ, các nhà phân tích chiến lược cho rằng nước này có thể đóng vai trò như một “người chơi” chính trên bàn cờ chính trị châu Á.
Tầm ảnh hưởng trong G20
Trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra tại Nga vào đầu tháng 9 tới, nhiều chuyên gia đã nhắc tới ảnh hưởng của Ấn Độ trong G20, một diễn đàn vốn đóng vai trò chủ chốt trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. G20 đang đối mặt với 2 vấn đề lớn, đó là sự mất cân bằng toàn cầu và khủng hoảng vốn quốc tế. Mặc dù Ấn Độ không góp phần vào sự thay đổi làm mất cân bằng toàn cầu, song có thể thấy G20 đang rất thận trọng cân nhắc những thay đổi về kết cấu, đóng góp và nhu cầu tự nhiên của sự mất cân bằng toàn cầu cũng như định hướng xây dựng nguyên tắc cơ bản. Ấn Độ cùng với các nền kinh tế đang nổi khác đang thảo luận về dòng vốn không ổn định tại các nền kinh tế phát triển, sự điều chỉnh trách nhiệm chung và quản lý vốn bằng biện pháp bảo vệ được chấp nhận và hợp pháp nhằm chống lại dòng vốn đầu cơ. Một sự cần thiết tạo ra cơ chế hiệu quả đối với quá trình điều chỉnh, như là tỷ lệ thâm hụt của các nền kinh tế đang nổi trong giai đoạn đầu khi sự ổn định toàn cầu bị đe dọa.
Ấn Độ trên con đường trở thành siêu cường |
Cấu trúc tài chính toàn cầu đang được cải tổ đã trải qua những thay đổi cơ bản trong 15 năm qua. Tuy nhiên, những thay đổi này đã không được phản ảnh một cách nổi bật trong cấu trúc tài chính quốc tế. Thỏa thuận về hạn ngạch của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và những cải cách về quản lý năm 2010 vẫn chưa được triển khai. Ấn Độ và những nước thành viên khác trong G20 đã lỡ thời hạn chót cho việc hoàn thành những cải cách hạn ngạch của IMF vào tháng 1/2013. Ấn Độ cho rằng G20 đóng vai trò chủ chốt trong việc thảo luận cách thức hạn ngạch và những thể chế quốc tế có thể chỉ trở nên phù hợp và có uy tín nếu sự chia sẻ về quyền bỏ phiếu và cấu trúc quản lý phản ánh sự chia sẻ của các thành viên đối với nền kinh tế thế giới.
Những quan ngại về sức mạnh của hệ thống tiền tệ thế giới với đồng USD như là một đồng tiền dự trữ quốc tế trở thành một vấn đề quan trọng. Cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy việc có một đồng tiền dự trữ duy nhất dễ dẫn đến nhiều rủi ro cho sự ổn định của hệ thống. Theo Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, để giải quyết vấn đề phát sinh từ việc sử dụng một đồng tiền dự trữ duy nhất, một quốc gia phải có nhiều loại tiền dự trữ. Một giải pháp có thể là mở rộng giỏ quyền rút vốn đặc biệt (SDR) bao gồm cả những đồng tiền của những nước có nền kinh tế và chính trị ổn định. Việc những thị trường đang nổi như Ấn Độ hội nhập hệ thống tiền tệ quốc tế sẽ khuyến khích những nước này tham gia vào việc xây dựng chính sách nhằm ổn định hệ thống.
Đối trọng của các cường quốc
Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 7/2012, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton đã kêu gọi New Dehli quyết đoán hơn để nắm vai trò dẫn dắt tại châu Á, nhằm đảm bảo an ninh và phồn vinh trong khu vực. Theo Washington, sự lãnh đạo (tiềm tàng) của Ấn Độ có khả năng giúp định hình một cách tích cực tương lai của châu Á. Trên thực tế, Ấn Độ đang từng bước nỗ lực đẩy mạnh can dự khu vực và gia tăng ảnh hưởng từ Iran đến Thái Lan. Sự kiện hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm INS Vikraant ngày 12/8 vừa qua đã nhấn mạnh mục đích này của Ấn Độ, bởi nếu xét về mặt lịch sử, phát triển tiềm lực hải quân được coi như một chỉ số chủ chốt về quy chế nước lớn. Ngoài yếu tố mang lại uy tín cho Ấn Độ, INS Vikraant còn thể hiện khả năng chiến lược của nước này ở Ấn Độ Dương - vốn được xem là vùng biển sân sau của Ấn Độ và giữ vị trí trung tâm trong cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng giữa Mỹ và các cường quốc trong khu vực.
Trước hết, phải nhấn mạnh rằng Ấn Độ là nước duy nhất ở Ấn Độ Dương có đầy đủ các nguồn lực và điều quan trọng hơn là có một vị trí chiến lược trung tâm để giữ vai trò lãnh đạo trong khu vực. Việc tiểu lục địa Ấn Độ chỉ cách Ấn Độ Dương một nghìn dặm đã đặt Ấn Độ vào vị trí thuận lợi hơn so với vị trí của Mỹ đối với Đại Tây Dương hay vị trí của Trung Quốc đối với Thái Bình Dương. Mặt khác, không lâu nữa Ấn Độ sẽ trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ tư thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản), phụ thuộc khoảng 33% nhu cầu năng lượng và sớm muộn sẽ nhập khẩu 90% dầu mỏ từ vùng Vịnh.
Hiện nay, Mỹ với lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới đang thống trị cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, trong khi các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc cũng đang cố gắng cân bằng sức mạnh với Mỹ để bảo vệ lợi ích kinh tế và nhu cầu năng lượng. Làm chủ Ấn Độ Dương là vấn đề rất quan trọng, bởi thực tế dầu mỏ được vận chuyển từ Vùng Vịnh đến hầu hết các nước trên thế giới đều đi qua Ấn Độ Dương và eo biển Malacca. Trong một tham vọng trở thành siêu cường mới, Ấn Độ dự chi gần 45 tỷ USD trong vòng 20 năm tới để mua hơn 100 tàu chiến, bao gồm cả tàu khu trục và tàu ngầm hạt nhân. Nhưng thực tế khi mở rộng ảnh hưởng, Ấn Độ sẽ đụng chạm đến Trung Quốc - hiện cũng đang triển khai chiến lược "chuỗi ngọc trai" để bảo vệ các lợi ích trong khu vực và mở rộng tầm hoạt động của lực lượng hải quân.
Là một nền dân chủ, có chính sách đối ngoại không liên kết và không hiếu chiến, Ấn Độ có thể được tin cậy trong việc sử dụng tiềm lực quân sự đang phát triển mạnh của họ một cách có trách nhiệm. Nói cách khác, quyền lực mềm của Ấn Độ, được hỗ trợ bởi cấu trúc dân chủ và chính sách ngoại giao tương đối ôn hòa, là yếu tố lớn có thể làm dịu bớt lo ngại của các nước trong khu vực.
Với vị trí địa lý cho phép tiến xa tới khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, cộng với tư cách thành viên trong BRICS (nhóm 5 nền kinh tế mới nổi phát triển năng động nhất) và cường quốc hải quân lớn thứ 5 trên thế giới, Ấn Độ có đủ tiềm lực để trở thành quốc gia đóng vai trò quan trọng với việc định hình một trật tự mới nổi ở châu Á.
Nguyệt Ánh