Theo một thông báo chính thức từ Bộ Tài chính Ấn Độ hôm 15/6, chính sách tăng thuế đối với 28 sản phẩm của Mỹ được quốc gia Nam Á ấp ủ trong hai năm qua trong lúc chờ đợi các cuộc đàm phán song phương đã chính thức có hiệu lực hôm 16/6.
Dựa trên tài liệu được báo Gazette of India công bố, các mặt hàng bị tổn hại nặng nhất gồm có hạnh nhân chịu thuế lên tới 120%, các loại hạt bao gồm hạt óc chó, đậu xanh, đậu đỏ và táo Mỹ chịu thuế 70%.
Danh sách tăng thuế ban đầu bao gồm 29 mặt hàng, nhưng Ấn Độ sau đó đã bỏ artemia - một loại tôm ngâm nước muối - sản xuất được độc quyền bởi một số công ty Mỹ, ra khỏi danh sách.
Theo trang web của Đại diện Thương mại Mỹ, Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 9 của quốc gia này với tổng doanh thu hàng hóa trao đổi giữa hai quốc gia là 87,5 tỷ USD trong năm 2018.
Với mức thuế mới, Ấn Độ sẽ nhận được thêm khoảng 217 triệu USD doanh thu từ hàng nhập khẩu bị đánh thuế bổ sung, do động thái này khiến các nhà xuất khẩu Mỹ phải trả thuế cao hơn.
Việc tăng thuế được đưa ra như một động thái trả đũa sau khi Mỹ áp dụng mức thuế 25% và 10% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào tháng 3/2018.
Ấn Độ đã nhiều lần trì hoãn việc tăng thuế đối với Mỹ vì các cuộc đàm phán giữa hai nước đã làm dấy lên hy vọng về một giải pháp. Tuy nhiên, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump chấm dứt chương trình ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình Hệ thống Ưu đãi phổ cập (GSP) kể từ ngày 5/6 dường như đã châm ngòi cho động thái mới nhất của New Delhi. Theo số liệu của Quốc hội Mỹ, Ấn Độ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình GPS của Mỹ trong suốt nhiều thập kỷ, với việc xuất khẩu số hàng hóa miễn thuế trị giá 5,7 tỷ USD sang Mỹ vào năm 2017.
Căng thẳng thương mại giữa Ấn Độ và Mỹ leo thang bất chấp nỗ lực của Washington nhằm thúc đẩy các mối quan hệ với New Delhi, và mối quan hệ tốt đẹp giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi. Dự kiến hai nhà lãnh đạo có kế hoạch gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra từ ngày 28-29/6 tới tại Osaka, Nhật Bản. Vấn đề thương mại được cho là chủ để chính đưa ra thảo luận.
Cuối tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng sẽ có chuyến công du tới quốc gia Nam Á để thảo luận các vấn đề thương mại với Tổng thống Modi.