Theo nội dung hướng dẫn ban đầu, Bộ Y tế Ấn Độ chỉ thị các cơ sở y tế cần phải nâng cao cảnh giác, nhất là đối với những người có triệu chứng phát ban không rõ nguyên nhân và những người mà trong vòng 21 ngày qua đã đến các quốc gia hiện đã ghi nhận các ca mắc hoặc nghi mắc đậu mùa khỉ, cũng như những người có tiếp xúc với người bệnh hoặc trường hợp nghi nhiễm virus gây bệnh này. Trong trường hợp nghi ngờ, các mẫu bệnh phẩm như chất dịch từ mụn nước, máu, nước bọt... cần phải gửi đến Viện Virus học quốc gia Ấn Độ (NIV) ở Pune để thực hiện xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ. Trong trường hợp phát hiện ca bệnh, cần phải truy vết tiếp xúc của người bệnh trong vòng 21 ngày.
Theo Bộ Y tế Ấn Độ, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người. Virus gây bệnh này xâm nhập cơ thể qua vết thương ngoài da, đường hô hấp, mắt, mũi hoặc miệng. Lây bệnh từ người sang người xảy ra khi tiếp xúc gần trong thời gian dài nếu tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn, dịch tiết của người bệnh, hoặc qua tiếp xúc gián tiếp như sờ, chạm lâu vào quần áo hay khăn trải giường của người bệnh.
Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, phát ban hoặc tổn thương da. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng tình trạng phát ban thường xuất hiện từ 1-3 ngày kể từ khi bắt đầu sốt. Các vết phát ban ở da có thể phẳng hoặc hơi sưng như mụn nước chứa dịch trong hoặc màu vàng nhạt, sau đó có thể đóng vảy, khô dần và bong ra.
Ngày 26/5, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, bà Maria Van Kerkhove cho biết khoảng 200 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và hơn 100 ca nghi mắc đã được phát hiện tại các quốc gia vốn hiếm khi ghi nhận căn bệnh này. Bà cho rằng số ca bệnh có thể tăng lên, do đó các quốc gia cần phải tăng cường giám sát.