Rời khỏi ngôi nhà của con trai, ông Brij Mohan Garg tìm đến khu dưỡng lão dành cho người già do nhà nước quản lý với tâm trạng tràn thất vọng và hoài nghi.
Một căn phòng tại một trung tâm dưỡng lão ở Niu Đêli. Ảnh: AFP/TTXVN |
“Sau khi đã lao động cật lực cả đời, cuối cùng tôi lại phải cô đơn ở đây”, vị quan chức chính phủ 72 tuổi đã nghỉ hưu này cho biết khi thả mình xuống chiếc ghế sofa cáu bẩn tại căn phòng khách của khu dưỡng lão.
Tình cảnh của ông Garg là một hậu quả trực tiếp của việc tăng trưởng kinh tế nhanh dẫn đến sự thay đổi xã hội to lớn, bao gồm cả việc cấu trúc gia đình truyền thống đang dần bị xói mòn nghiêm trọng.
Đối với những người già giống như ông Garg, “gia đình lớn” (bao gồm bố mẹ, con cái và các cháu sống cùng một mái nhà), được xem là chỗ nương tựa lúc tuổi già, đang dần trở nên xa vời.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, số thành viên trung bình trong các gia đình ở Ấn Độ đã giảm từ 7 xuống 5 trong vòng 10 năm trở lại đây. Năm 2000, số người trên 60 tuổi ở Ấn Độ vào khoảng 80 triệu, chiếm khoảng 8% dân số. Theo dự báo của Liên hợp quốc, con số này sẽ tăng lên 170 triệu vào 2025 và 325 triệu (20% dân số) vào năm 2050.
“Điều này phản ánh một sự thay đổi lớn”, Mathew Cherian, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận HelpAge India, cho biết. Ông Cherian giải thích: “Thanh niên nông thôn có xu hướng ra thành phố để kiếm việc làm, trong khi thanh niên ở thành phố hoặc chuyển đến thành phố lớn hơn, hoặc ra nước ngoài để có cơ hội kiếm tiền nhiều hơn. Và họ để cha mẹ già ở lại”.
Không còn chỗ dựa là “gia đình lớn”, nhiều người già chỉ còn lựa chọn là các trung tâm dưỡng lão. Nhưng chất lượng cuộc sống tại các trung tâm này rất khác nhau, tùy thuộc rất lớn vào khả năng tài chính của “khách hàng”.
Những người già có thu nhập khiêm tốn và không được trợ giúp từ gia đình thường chọn các trung tâm được nhà nước bảo trợ như “ngôi nhà bao cấp” mà ông Garg đã ở suốt 5 năm qua. Các thiết bị ở đây hết sức tồi tàn với những căn phòng tối tăm, những chiếc giường ọp ẹp, những tủ bát cũ kỹ và những chiếc quạt trần có thể hỏng bất cứ lúc nào. Những người ở đây được miễn phí tiền ăn ở, ước vào khoảng 5.000 rupee (2 triệu đồng)/người/tháng và khoản tiền này do các doanh nhân và các tổ chức phi lợi nhuận quyên tặng.
Ở nơi ấy, ông Garg, dù chua xót rằng “5 năm qua, con trai tôi chỉ đến thăm tôi một lần”, cũng phần nào được an ủi rằng “Ít nhất tôi không phải phụ thuộc vào ai và ngày qua ngày với những người thông cảm và hiểu nỗi đau của mình”.
Còn những người dư dả thì có thể chọn các trung tâm dưỡng lão tư nhân với điều kiện chăm sóc tốt hơn nhưng chi phí cũng cao hơn.
Một trong số đó là khu dưỡng lão Golden Estate rộng gần 6.000 m2, nằm ở thị trấn vệ tinh của thủ đô Niu Đêli Faridabad. Ở đây cung cấp mọi dịch vụ, từ giặt là, chăm sóc y tế 24/24 giờ, các lớp yoga đến Internet tốc độ cao.
Amit Vaidya, Giám đốc Công ty UCC Care Pvt Ltd - chủ đầu tư dự án này, khẳng định đây là một lựa chọn hoàn hảo cho cuộc sống của người về hưu. Nó không chỉ là lựa chọn của những người già cô đơn mà còn là lựa chọn của những người con hiếu thảo, muốn cha mẹ được hưởng tuổi già an toàn và hạnh phúc”.
Tuy nhiên, “khách hàng” của Golden Estate phải trả 30.000 rupee (12 triệu đồng)/người/tháng – mức giá mà không có nhiều người già có thể chịu được.
Hải Tuyến (Theo AFP)