Ấn Độ thực hiện tổng cộng 16 triệu lượt xét nghiệm COVID-19, trong đó có khoảng 442.000 xét nghiệm trong cùng ngày, tăng gấp đôi so với mức 220.000 xét nghiệm/ngày hồi đầu tháng 7. Như vậy, tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 của Ấn Độ đã tăng lên đến 11.485/1 triệu dân. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 158.981 của Mỹ và chỉ bằng một nửa so với 23.094 của Brazil. Đây là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch. Chính phủ trung ương Ấn Độ đã khuyến cáo các bang đẩy mạnh chiến lược "xét nghiệm, truy dấu và chữa trị".
Kế hoạch mở cửa giai đoạn hai (trong số ba giai đoạn) của Ấn Độ sẽ kết thúc vào ngày 31/7 tới, nhưng theo các quan chức cấp cao, chính quyền nước này nhiều khả năng sẽ không cho phép mở lại trường học trong giai đoạn nới lỏng tiếp theo dự kiến vào tuần tới. Các dịch vụ tàu điện ngầm cũng sẽ không được sớm nối lại. Bên cạnh đó, các địa điểm khác như phòng gym, bể bơi và các cuộc tụ tập đông người cũng có thể sẽ tiếp tục bị cấm.
* Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, Bộ Y tế nước này ngày 26/7 thông báo ghi nhận thêm 481 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại đây lên thành 50.369 người. Trong số các ca nhiễm mới có 5 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 4 ca từ bên ngoài vào, số còn lại sống trong các khu lao động nước ngoài đã được khoanh vùng cách ly.
Đến nay, Singapore đã có 45.352 người được chữa khỏi và xuất viện, và có 27 ca tử vong.
* Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun ngày 26/7 cho biết nước này sẽ thúc đẩy việc sửa đổi luật để bệnh nhân người nước ngoài mắc COVID-19 phải trả chi phí điều trị trong bối cảnh số lượng người nước ngoài nhiễm bệnh mới tăng đột biến.
Ông Chung đã đưa ra phát biểu trên trong cuộc họp về COVID-19 của Chính phủ Hàn Quốc, lưu ý rằng số bệnh nhân nước ngoài tăng nhanh trong số các ca "nhập khẩu" có thể làm căng thẳng hệ thống y tế nước này.
Ông nói: "Chúng tôi sẽ sửa luật để bệnh nhân người nước ngoài phải trả toàn bộ hoặc một phần chi phí điều trị của họ, song theo nguyên tắc có đi có lại trên cơ sở quan hệ ngoại giao".
Theo luật hiện hành, chi phí chăm sóc và điều trị tại bệnh viện cho các bệnh nhân mắc COVID-19 được Chính phủ Hàn Quốc chi trả bất kể quốc tịch nào.
* Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, ngày 25/7, số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Israel vượt 60.000 ca trong bối cảnh chính phủ nước này đang gặp khó khăn trong việc kiềm chế tốc độ gia tăng các ca nhiễm trong những tuần gần đây.
Cụ thể, Bộ Y tế Israel thông báo số ca mắc mới được ghi nhận trong ngày là 1.770 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 60.496 ca, trong đó có 455 ca tử vong.
Với dân số là khoảng 9 triệu người, Israel là một trong những nước đầu tiên trên thế giới áp đặt phong tỏa trên toàn quốc và đã thành công trong ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Số ca nhiễm tăng từ mức ba con số giảm xuống hai con số. Tuy nhiên, số lượng ca nhiễm tăng trở lại và số người nhiễm mỗi ngày ở mức cao hơn sau khi Chính phủ Israel dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhằm giảm thiểu những tác động về kinh tế.
Chính phủ Israel đang cân nhắc việc tái áp đặt phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
* Chính phủ Nam Phi thông báo Bộ trưởng Thương mại Ebrahim Patel có kết quả nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và là vị bộ trưởng thứ 4 trong nội các nước này mắc bệnh. Thông báo nêu rõ Bộ trưởng Patel, 58 tuổi, đang tự cách ly và sẽ tiếp tục làm việc tại nhà. Những người từng tiếp xúc với ông Patel cũng đã tự cách ly và được khuyên đi xét nghiệm.
Như vậy, tới nay, có 4 bộ trưởng và một số nghị sĩ Quốc hội Nam Phi đã được xác nhận mắc COVID-19.
Với trên 434.200 ca mắc bệnh, trong đó trên 6.600 người đã tử vong, hiện Nam Phi là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất ở châu Phi và xếp thứ 5 thế giới sau Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nga.