Hiện Ấn Độ đã ghi nhận 23.340.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 348.421 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Nhiều chuyên gia cho rằng con số thực tế còn cao hơn do nhiều người không được xét nghiệm.
Theo phóng viên TTXVN tại New Dehli, diễn biến dịch bệnh phức tạp đã khiến nhiều tổ chức kinh tế phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ. Ngày 11/5, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody đã giảm đáng kể dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong tài khóa hiện tại (2021-2022) xuống còn 9,3%, đánh giá làn sóng lây nhiễm thứ hai ở nước này đang cản trở đà phục hồi kinh tế và làm tăng rủi ro gây ra những tác động tiêu cực về dài hạn.
Một tuyên bố của Moody's nêu rõ: “Do tác động tiêu cực của làn sóng COVID-19 thứ hai, chúng tôi đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP thực của Ấn Độ, có tính đến lạm phát từ mức 13,7% đưa ra trước đó xuống còn 9,3% cho tài khóa 2021-2022 và từ 6,2% lên 7,9% trong tài khóa 2022-2023”. Trong dài hạn, Moody's kỳ vọng tăng trưởng GDP của Ấn Độ sẽ vào khoảng 6%. Công ty này xếp hạng tín nhiệm Baa3 đối với Ấn Độ kèm theo triển vọng tiêu cực, cho rằng những trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế, nợ cao và hệ thống tài chính yếu kém đang làm hạn chế triển vọng tín nhiệm quốc gia.
Tuyên bố của Moody's nhấn mạnh: “Ấn Độ đang trải qua một đợt lây nhiễm thứ hai nghiêm trọng, sẽ làm chậm quá trình phục hồi kinh tế trong ngắn hạn và có thể ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng dài hạn”. Cũng theo tổ chức này, các ca nhiễm gia tăng đột biến với sự lưu hành của một biến thể virus rất dễ lây lan, đang làm chao đảo hệ thống y tế của Ấn Độ, trong đó các bệnh viện bị quá tải và nguồn cung y tế thiếu hụt. Việc tái áp đặt các lệnh phong tỏa sẽ hạn chế hoạt động kinh tế và có thể làm suy yếu thị trường và tâm lý người tiêu dùng. Tuy nhiên, Moody's đánh giá tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Ấn Độ sẽ chỉ giới hạn trong quý từ tháng 4-6/2021, sau đó sự phục hồi mạnh mẽ sẽ diễn ra trong nửa cuối năm.
Theo ước tính chính thức, nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng âm 8% trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2021 vừa qua.