Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ có xu hướng giảm từ ngày 10/5, với 366.161 ca được ghi nhận, giảm mạnh từ mức hơn 400.000 ca trong 4 ngày liên tiếp trước đó. Hiện Ấn Độ đang chao đảo vì làn sóng COVID-19 thứ hai và các chuyên gia khuyến cáo nước này cần phải chuẩn bị sớm nhất cho làn sóng lây nhiễm thứ ba "không thể tránh khỏi".
Cũng theo bộ trên, số ca hiện dương tính với SARS-CoV-2 là 3,71 triệu ca, chiếm 16,53% tổng số ca nhiễm. Trong khi đó, tỷ lệ phục hồi trên toàn quốc là 82,39% và tỷ lệ tử vong là 1,09%.
Trong 2 ngày 2-3/5, số ca nhiễm mới của Ấn Độ chiếm hơn 52% tổng số ca mắc COVID-19 mới trên thế giới. Mặc dù tình hình dịch bệnh tại bang Maharashtra và thủ đô Delhi có phần dịu bớt trong những ngày qua, các bệnh viện trên khắp nước này vẫn tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung oxy và thuốc men do nhu cầu tăng đột biến. Người dân đang phải chật vật để mua thậm chí là những loại thuốc cơ bản. Trong ngày 10/5, một bệnh viên công ở thành phố Tirupati, bang Andhra Pradesh ghi nhận có 11 11 bệnh nhân COVID-19 tử vong do xe chở oxy y tế không thể đến kịp để tiếp tế.
Không chỉ đối mặt với số ca nhiễm vẫn ở mức cao, hệ thống y tế Ấn Độ đang được cảnh báo về tình trạng gia tăng số bệnh nhân đã và đang mắc COVID-19 bị nhiễm nấm mucormycosis. Trước tình hình này, Bộ Y tế Ấn Độ đã ban hành chỉ dẫn về cách điều trị những trường hợp nhiễm nấm mucormycosis
Mucormycosis, được giới y học Ấn Độ gọi là "nấm đen", thường tấn công mạnh nhất vào những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu do mắc các bệnh truyền nhiễm khác hoặc bệnh tiểu đường. Người nhiễm nấm Mucormycosis thường có các triệu chứng như nghẹt mũi và chảy máu mũi, sưng và đau mắt, sụp mí mắt; mắt mờ và cuối cùng là mất thị lực, thậm chí tức ngực, khó thở, ho ra máu.
Ông Atul Patel, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đồng thời thành viên của nhóm tác chiến chống đại dịch của bang Ahmedabad, Ấn Độ, chỉ rõ số bệnh nhân đã bình phục bị nhiễm nấm mucormycosis đã tăng từ 4 đến 5 lần so với thời gian trước khi đại dịch bùng phát. Tại bang miền Tây Maharashtra, có tới 300 bệnh nhân COVID-19 đã nhiễm nấm mucormycosis. Tương tự, 4 thành phố ở bang Gujarat cũng ghi nhận khoảng 300 trường hợp mắc bệnh tương tự, buộc chính quyền bang yêu cầu các bệnh viện công thành lập khu điều trị riêng biệt dành cho những ca nhiễm nấm này. Theo Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR), nếu không điều trị kịp thời, người nhiễm nấm mucormycosis có thể tử vong. ICMR cho biết những bệnh nhân COVID-19 bị tiểu đường, đã dùng steroid để điều trị COVID-19, hay những người phải nằm khu điều trị tích cực lâu ngày dễ nhiễm nấm đen hơn các đối tượng khác.
Để điều trị tận gốc các ca mắc này, các bác sĩ phải sử dụng thủ thuật loại bỏ tất cả tế báo bị nhiễm và hoại tử, sau đó dùng thuốc chống nấm. Tuy nhiên, cách điều trị này rất tốn kém trong khi một trong số thuốc trị nấm lại đang khan hiếm do nhu cầu tăng cao đột biến tại các bệnh viện. Theo các bác sĩ Ấn Độ, bệnh nấm mucormycosis tiến triển rất nhanh, chỉ trong 2 tuần.