Trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Vardhan nêu rõ Chính phủ Ấn Độ đã quyết định dỡ bỏ hạn chế thời gian để đẩy nhanh chiến dịch tiêm phòng COVID-19. Điều này sẽ giúp người dân thuận tiện hơn khi thu xếp thời gian đi tiêm chủng.
Ngày 1/3 vừa qua, Ấn Độ đã bắt đầu giai đoạn 2 của chiến dịch tiêm phòng COVID-19 trên cả nước. Trong giai đoạn này, chiến dịch sẽ tập trung vào những người trên 60 tuổi và những người trên 45 tuổi nhưng có bệnh lý nền. Chính phủ liên bang áp dụng mức giá 250 rupee (3,4 USD) cho mỗi liều vaccine tại các bệnh viện tư nhân. Tuy nhiên, việc tiêm phòng tại các bệnh viện công là hoàn toàn miễn phí. Ước tính trong giai đoạn 2, Ấn Độ sẽ tiêm phòng cho gần 270 triệu người.
Trước đó, Ấn Độ đã bắt đầu chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cho người dân vào ngày 16/1 vừa qua. Các nhân viên y tế và những người làm việc trên tuyến đầu là những đối tượng được ưu tiên tiêm phòng trong giai đoạn đầu.
Theo Bộ Y tế Ấn Độ, tính đến sáng 3/3, ước tính hơn 15,6 triệu người đã được tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 trên khắp Ấn Độ kể từ khi nước này khởi động chiến dịch tiêm chủng.
* Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc các biện pháp ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan trong kỳ nghỉ Tết cổ truyền Songkran hay còn gọi là Lễ hội té nước vào giữa tháng tới, trong bối cảnh số ca nhiễm mới hàng ngày đang có xu hướng giảm dần.
Bộ trưởng Văn hóa Thái Lan Itthiphol Kunplome ngày 3/3 cho biết bộ ủng hộ việc tổ chức trở lại các hoạt động văn hóa và truyền thống, vốn là một phần của Lễ hội Songkran trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Tuy nhiên, ông cho rằng cần phải có các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, bao gồm cả giãn cách xã hội và giới hạn số lượng người tại những địa điểm tổ chức các hoạt động được lên kế hoạch.
Năm ngoái, Chính phủ Thái Lan đã ra một quyết định chưa có tiền lệ là hoãn kỳ nghỉ Tết cổ truyền Songkran, khiến người dân lặng lẽ bước vào Năm mới theo Phật lịch với việc toàn bộ đất nước trong tình trạng “phong tỏa mềm” và lệnh giới nghiêm vào ban đêm để phòng chống COVID-19.
Lễ hội Songkran ở Thái Lan năm nay sẽ diễn ra từ ngày 13 - 15/4. Theo Bộ trưởng Itthiphol, các hoạt động trong Lễ hội Songkran giúp kích thích du lịch và nền kinh tế, trong bối cảnh đã có vaccine ngừa COVID-19.
Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cùng ngày cho biết Nội các sẽ xem xét liệu người dân có được phép tự do tham gia lễ hội hoặc có nên áp dụng một số biện pháp phòng chống dịch bệnh hay không.
Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, ngày 3/3 quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận thêm 35 ca nhiễm mới, nâng tổng số các ca bệnh từ trước đến nay lên 26.108 ca, trong đó có 84 ca tử vong. Đây là ngày thứ 12 liên tiếp, Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm mới dưới 100 ca.
* Bộ Y tế Slovakia thông báo từ ngày 3/3 bắt đầu áp đặt lệnh giới nghiêm từ 20h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, trong bối cảnh quốc gia Trung Âu này đang chứng kiến với tỉ lệ tử vong cao nhất thế giới.
Theo sắc lệnh của chính phủ, người dân Slovakia sẽ không được phép đi ra ngoài trong thời gian lệnh giới nghiêm được áp đặt. Người dân được yêu cầu ở trong nhà vào ban ngày, trừ một số trường hợp ngoại lệ như đi khám bệnh, đi làm, đi dạo.
Lệnh giới nghiêm này sẽ có hiệu lực cho đến ngày 19/3 và có thể được gia hạn tùy theo tình hình dịch bệnh.
Slovakia với 5,4 triệu dân là nước có tỉ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới, với 24 ca tử vong/100.000 người trong vòng 14 ngày qua. Theo Chủ tịch Hiệp hội liên đoàn thương mại các bác sĩ Peter Visolajsky, tỉ lệ tử vong cao ở nước này là do nhiều yếu tố, trong đó có việc lệnh phong tỏa được áp đặt quá muộn và không được giám sát đầy đủ.