Ấn Độ đặt mục tiêu đến cuối năm 2024 sản xuất vi mạch trong nước

Ấn Độ sẽ khởi công nhà máy lắp ráp chất bán dẫn đầu tiên vào tháng tới và bắt đầu sản xuất vi mạch trong nước từ cuối năm 2024.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg

Đây là thông tin được tờ Financial Times đưa hôm 4/7. Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời Bộ trưởng công nghệ thông tin Ấn Độ Ashwini Vaishnaw, cho biết công ty Mỹ Micron Technology sẽ thi công nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip bán dẫn tại bang Gujarat từ tháng 8 với chi phí 2,75 tỷ USD trong đó có hỗ trợ của New Delhi.

Trong trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, ông Vaishnaw cho biết: “Đây là khoảng thời gian rất nhanh để thành lập một ngành công nghiệp mới đối với bất kỳ quốc gia nào. Tôi không chỉ nói về một công ty mới mà là ngành công nghiệp mới của đất nước”.

Bộ trưởng Vaishnaw bổ sung: “Chúng tôi đặt mục tiêu sau 18 tháng có sản phẩm đầu tiên xuất xưởng từ nhà máy - tức là vào tháng 12/2024”.

Phát biểu của Bộ trưởng Vaishanaw đã nêu ra mốc thời gian khắt khe trong bối cảnh Ấn Độ đang nỗ lực xây dựng năng lực sản xuất điện thoại thông minh, pin, xe điện và các thiết bị điện tử khác. Lĩnh vực sản xuất công nghệ của Ấn Độ được đánh giá tụt hậu so với các nền kinh tế dẫn đầu về xuất khẩu ở Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc, vốn bắt đầu sớm hơn và trợ cấp nhiều hơn cho ngành công nghiệp này.

Ông Vaishnaw cũng nói rằng Ấn Độ có hơn 50.000 nhà thiết kế chất bán dẫn và “thực tế mọi con chip phức tạp trên thế giới” đều đã được thiết kế ở Ấn Độ.

Mỹ đang đẩy mạnh hợp tác với Ấn Độ về chip, một phần của mối quan hệ đối tác mở rộng được củng cố trong chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Narendra Modi tới Mỹ vào tháng 6. Bên cạnh thỏa thuận của Micron Technology, nhà sản xuất thiết bị chip Applied Materials của Mỹ cũng công bố kế hoạch đầu tư 400 triệu USD vào một trung tâm kỹ thuật mới ở Bengaluru.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Doanh nghiệp phần mềm Hàn Quốc ưu tiên tuyển dụng nhân lực từ Việt Nam và Ấn Độ
Doanh nghiệp phần mềm Hàn Quốc ưu tiên tuyển dụng nhân lực từ Việt Nam và Ấn Độ

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, hơn 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc (SMEs) mong muốn thuê nhân lực phần mềm người nước ngoài, trong đó đặc biệt ưu tiên cao lựa chọn nhân lực từ Việt Nam và Ấn Độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN