Ấn Độ chạy đua phòng dịch trước nguy cơ làn sóng thứ ba trỗi dậy vì Omicron

Ở phía tây thành phố Pune, các nhà khoa học tại Viện Virus học Quốc gia Ấn Độ (NIV), cơ sở giải trình tự gien lâu đời nhất của nước này, đang khẩn trương xác định các mẫu bệnh phẩm nhiễm biến thể Omicron.

Chú thích ảnh
Các phòng thí nghiệm như NIV đang chạy đua để tìm hiểu thêm về Omicron. Ảnh: BBC

Theo đài BBC (Anh), khi Ấn Độ đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, các phòng thí nghiệm như NIV đang làm việc không ngừng nghỉ để tìm ra những người nhiễm chủng virus mới.
Mỗi ngày, cơ sở này nhận được khoảng 100 mẫu bệnh phẩm được đóng kín trong các hộp nhỏ. Số lượng này nhiều hơn gấp 5 lần so với thời kỳ trước khi biến thể Omicron - lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi và hiện đang lan rộng khắp thế giới - xuất hiện. 

Trong một căn phòng kín, các nhà nghiên cứu sẽ bắt đầu quá trình phân lập virus. Các mẫu bệnh phẩm được đánh dấu bằng những con số khác nhau. Tiến sĩ Varsha Potdar, nhà khoa học cấp cao và trưởng nhóm tại NIV cho biết: “Áp lực lớn đối với chúng tôi lúc này là phải nhanh chóng xác định các mẫu bệnh phẩm nhiễm biến chủng mới. Quá trình này cần thực hiện một cách chính xác và đây không phải là công việc có thể thực hiện trong chốc lát”.

Phải mất nhiều giờ đồng hồ để chuẩn bị trước khi đưa các mẫu bệnh phẩm vào máy giải trình tự gien. Máy sẽ phân tích dự liệu, sau đó dữ liệu này sẽ được một chương trình phần mềm đối chiếu với chủng virus gốc lần đầu được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Dữ liệu này sẽ giúp các nhà khoa học xác nhận các chủng virus từ các mẫu bệnh phẩm.  

Cảnh báo làn sóng COVID-19 thứ 3

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 của một người đàn ông trên đường ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Trong làn sóng dịch bệnh thứ hai vào đầu năm nay, Ấn Độ đã phải đối mặt với sự càn quét kinh hoàng của biến thể Delta, vốn nhanh chóng trở thành biến thể thống trị trên toàn cầu. 

Tiến sĩ Priya Abraham, Giám đốc NIV cho biết: “Chúng tôi đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm từ làn sóng dịch trước đó. Chúng tôi biết rằng nếu không ngăn chặn đà lây lan của virus, thì khả năng chúng tôi phải đối mặt với làn sóng mới sẽ càng cao. Tôi nghĩ chúng tôi đã chủ động hơn nhiều, chuẩn bị kỹ càng hơn nhiều”.

Tuy nhiên, với quy mô dân số của Ấn Độ, Tiến sĩ Abraham nói rằng vẫn còn nhiều hạn chế.

“Dù không ở gần những quốc gia phát triển hơn như Anh hay Mỹ, nhưng tôi nghĩ rằng Ấn Độ đã nỗ lực rất nhiều để theo kịp họ. Chúng tôi cũng cần đưa ra thông điệp rằng cùng với các biện pháp này, mọi người cần phải thận trọng, bà Priya nói. “Tôi nghĩ rằng làn sóng thứ 3 sẽ xảy đến tùy thuộc vào tỉ lệ tiêm chủng và ý thức của người dân. Nếu nhiều người còn do dự tiêm vaccine, hay vẫn tụ tập đông người trong các không gian chật hẹp, làn sóng dịch bệnh thứ 3 sẽ xảy đến”.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho một bé trai ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Tại Ấn Độ, hơn một nửa dân số trưởng thành đã được tiêm chủng đầy đủ. Song với mức độ này, hàng trăm triệu người dân vẫn phải đối mặt với nguy cơ mắc COVID-19. Các bác sĩ cảnh báo rằng nếu làn sóng thứ 3 do biến thể Omicron tấn công Ấn Độ, các cơ sở y tế vẫn có nguy cơ quá tải rất nhanh. 

“Trong làn sóng thứ 2, các bệnh viện không chỉ bị quá tải một chút, mà số lượng bệnh nhân tăng vọt đã vượt quá sức chứa của bệnh viện gấp nhiều lần. Vì vậy, ngay cả khi làn sóng thứ 3 có quy mô nhỏ hơn, tôi nghĩ chắc chắn hệ thống y tế của chúng ta vẫn có khả năng bị quá tải”, Tiến sĩ Swapneil Parikh, một bác sĩ ở Mumbai, nói. “Vì vậy, thay vì hỏi liệu nó có xảy ra không, hay khi nào nó sẽ xảy ra, chúng ta nên tập trung vào việc chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản đó”.

Tại Bệnh viện Holy Family ở Delhi, số ca mắc COVID-19 đã tăng lên trong tuần qua, sau hơn một tháng không có bệnh nhân nào phải nhập viện.

Bác sĩ Sumit Ray, Giám đốc bệnh viện, cho biết: “Có cảm giác sợ hãi và lo lắng rằng chúng ta sẽ đi theo con đường giống như làn sóng thứ hai. Một số bệnh nhân ở đây đã được tiêm 2 mũi vaccine vẫn tái nhiễm. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải hết sức cẩn trọng”. 

Chú thích ảnh
Các bác sĩ cảnh báo nếu làn sóng thứ 3 ập đến, các cơ sở y tế như bệnh viện Holy Family ở Delhi có thể bị quá tải. Ảnh: BBC

Trong làn sóng dịch bệnh thứ hai hồi tháng 4, bệnh viện này đã bị quá tải nghiêm trọng. Các bệnh nhân chen chúc trên cáng cứu thương ở khắp các khu vực của bệnh viện để chờ điều trị. Thành phố cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu ôxy trầm trọng. Khi chứng kiến các bệnh nhân của mình trong phòng chăm sóc đặc biệt, bác sĩ Ray đã gọi điện đi khắp nơi để tìm thêm nguồn cung. Tại một số bệnh viện ở Delhi và các vùng khác của Ấn Độ, nhiều người đã tử vong vì không có ôxy .

Tiến sĩ Ray cho rằng Chính phủ Ấn Độ cần tổ chức tốt hơn các nguồn lực của mình và tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nguồn cung y tế đến những nơi cần thiết.

“Mọi người không nên phải đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác để tìm giường bệnh. Điều đó là không thể chấp nhận được. Cần phải có sự phối hợp tốt hơn. Tôi nghĩ chúng ta đã có thời gian để chuẩn bị và điều này nên được thực hiện”, ông nói. “Là người được đào tạo để cứu sống con người, nhưng bạn không thể làm điều đó vì không có đủ nguồn lực, bạn sẽ cảm thấy thất bại. Đó là giai đoạn tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi, với tư cách là một chuyên gia y tế”.

Chú thích ảnh
Người phụ nữ được tiêm vaccine COVID-19 tại một trung tâm y tế ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Chính phủ Ấn Độ cho biết họ đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với một làn sóng dịch mới. Nhưng Tiến sĩ Parikh ở Mumbai nói rằng giới chức cần phải làm nhiều điều hơn nữa.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta thực sự cần phải tiêm chủng đầy đủ cho càng nhiều người càng tốt. Hãy bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường cho người già và những người dễ bị tổn thương, đặc biệt là những người bị suy giảm miễn dịch, cũng như cho nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu. Ở đất nước này, chúng tôi đã chơi một trò cá cược trong làn sóng dịch bệnh thứ 2, và đã thua cuộc. Vì vậy, lần này, hãy làm ngược lại. Hãy chuẩn bị kỹ lưỡng”, ông Parikh nói.

Hải Vân/Báo Tin tức
Trung Quốc khuyến khích người dân không về quê vào dịp Tết Nguyên đán
Trung Quốc khuyến khích người dân không về quê vào dịp Tết Nguyên đán

Giới chức Trung Quốc mới đây đã khuyến khích người lao động không nên về quê trong dịp Tết Nguyên đán. Đây là năm thứ hai liên tiếp Trung Quốc đưa ra lời kêu gọi này nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN