Theo thỏa thuận, cơ quan quản lý cảng của Sri Lanka sẽ tiếp quản 100% quyền sở hữu. Sri Lanka góp 51% vốn trong khi liên doanh giữa Ấn Độ và Nhật Bản sẽ đảm nhận 49% còn lại.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết thời điểm và điều khoản của thỏa thuận này đã gây chú ý. Sau tất cả, Sri Lanka có lẽ chưa quên trường hợp năm 2017 khi nước này gặp khó trong việc trả nợ cho Trung Quốc và phải lựa chọn trao Bắc Kinh quyền thuê cảng Hambantota rộng 60 km2 trong 99 năm.
Vụ vệc gây nghi vấn Trung Quốc tận dụng đầu tư “Vành đai, Con đường” làm “ngoại giao bẫy nợ”. Không dừng ở đó, Ấn Độ cũng theo dõi sát sao diễn biến liên quan tới cảng Hambantota bởi công trình nằm khá gần lãnh hải quốc gia này. Hãng thông tấn AFP (Pháp) đánh giá Ấn Độ luôn lo lắng về kịch bản qua cảng biển Hambantota ở Sri Lanka, Trung Quốc đã đặt một chân vào khu vực chiến lược ở Ấn Độ Dương.
Do vậy, thông tin Ấn Độ phối hợp cùng Nhật Bản đề nghị thỏa thuận liên quan đến cảng khác của Sri Lanka cũng phần nào dấy lên đồn đoán New Delhi và Tokyo cùng muốn đối trọng với “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc tại Sri Lanka.
Tuy nhiên, cả Ấn Độ và Nhật Bản đều nhất loạt khẳng định dự án cảng Colombo không phải là “đối thủ” của “Vành đai, Con đường” và Trung Quốc thậm chí cũng góp vốn trong dự án này. Một số ý kiến cho rằng nên coi dự án là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản và Ấn Độ cùng bước vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở Sri Lanka.
Đây không phải là lần đầu tiên hai nền kinh tế lớn của châu Á là Ấn Độ và Nhật Bản cùng hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Nhật Bản và Ấn Độ từng bắt tay trong dự án nhà máy năng lượng tại đảo Andaman và Nicobar.
Có nhiều giải thích về việc Ấn Độ và Nhật Bản hợp tác ở thời điểm này đối với cảng của Sri Lanka.
Một trong số đó là mối quan hệ giữa Thủ tướng tái đắc cử Narendra Modi và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe.
Trong tháng 10/2018, Thủ tướng Abe mời người đồng cấp Ấn Độ đến căn nhà nghỉ dưỡng của ông ở tỉnh Yamanashi. Thủ tướng Abe cũng là một trong những lãnh đạo đầu tiên chúc mừng ông Modi tái đắc cử. Hai nhà lãnh đạo dự kiến gặp gỡ tại Osaka trong tháng 6 này trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Ấn Độ và Nhật Bản cũng có nhiều lĩnh vực hai bên có thể hỗ trợ hữu hiệu nhau. Một ví dụ là khi Chính phủ Ấn Độ gặp khó trong việc tạo thêm việc làm cho thị trường lao động thì đầu tư từ Nhật Bản đã góp công giải quyết một phần vấn đề. Bên cạnh đó, Nhật Bản vốn đang “đau đầu” vì tình hình già hóa dân số có thể tận dụng nguồn nhân lực dồi dào được đào tạo của Ấn Độ.
Ngoài ra, trong con mắt của Nhật Bản, Ấn Độ đóng vai trò quan trọng tại Ấn Độ - Thái Bình Dương. Thủ tướng Abe từng khẳng định cần có mối quan hệ gắn kết tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Từ năm 2007, ông Abe từng phát biểu trước quốc hội Ấn Độ nội dung có tiêu đề “Hợp lưu của hai vùng biển”.