Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia cho biết trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tình hình khu vực đã chứng kiến những thay đổi địa chính trị mang tính chiến lược, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Á. Theo đó, các cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc tiếp tục gia tăng trên nhiều mặt và các nước nhỏ hơn mắc kẹt ở giữa. Đồng thời, nhiều quốc gia đang sử dụng chủ nghĩa đơn phương và theo đuổi lợi ích quốc gia của riêng mình.
Trước tình hình đó, bà Marsudi nhấn mạnh ba điểm. Một là EAS phải đóng vai trò như một lực lượng tích cực nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Theo đó, người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia kêu gọi các đối tác của EAS tái khẳng định cam kết đối với việc tôn trọng luật pháp quốc tế, từ bỏ đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia khẳng định đối đầu sẽ không có lợi cho bất kỳ ai. Thay vào đó, các nước cần tập trung sức lực vào việc thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn và cùng có lợi trong khu vực, trong đó lấy ASEAN làm động lực, phù hợp với Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. EAS sẽ đóng vai trò là một nền tảng quan trọng cho đối thoại chiến lược nhằm hiểu quan ngại và quan tâm của nhau, và tìm ra các giải pháp.
Hai là, EAS cần đóng góp vào việc tăng cường khả năng phục hồi lĩnh vực y tế của khu vực. Trong ngắn hạn, điều này đồng nghĩa đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine công bằng và hợp lý cho khu vực. Về lâu dài, có thể xem xét thành lập một mạng lưới các cơ quan kiểm soát dịch bệnh ở các nước EAS nhằm tăng cường an ninh y tế trong khu vực.
Bộ trưởng Marsudi thông báo rằng Indonesia sẽ đăng cai Cuộc họp các chuyên gia y tế EAS vào tháng tới nhằm xác định các hoạt động hợp tác thiết thực hơn chống đại dịch COVID-19.
Điểm thứ ba và là điểm cuối cùng mà Bộ trưởng Marsudi đề cập liên quan đến vấn đề Biển Đông. Theo đó, Indonesia kêu gọi tất cả các quốc gia tôn trọng các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Bà nhấn mạnh bằng cách tôn trọng luật pháp quốc tế, các nước sẽ chứng kiến một Biển Đông hòa bình và ổn định.
Cuối cùng, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia cho rằng bước sang kỷ niệm 15 năm thành lập, EAS cần tiếp tục phù hợp và hiệu quả trong việc ứng phó với những thách thức toàn cầu và khu vực đang phát triển nhanh chóng.