Trong bài phát biểu được đăng tải trên website chính thức của Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng Marsudi nhắc nhở rằng ASEAN và Trung Quốc đều có trách nhiệm duy trì hòa bình và ổn định; tôn trọng các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế ở Biển Đông, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Bà Marsudi cũng nhấn mạnh hai điểm quan trọng khác trong quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc liên quan đến việc phát triển vaccine COVID-19 và phục hồi kinh tế hậu đại dịch.
Theo đó, trong ngắn hạn, hợp tác ASEAN-Trung Quốc sẽ bao gồm việc cung cấp vaccine an toàn, kịp thời và với giá cả phải chăng. Việc đáp ứng nhu cầu trong nước phải được thực hiện song song với việc cung ứng vaccine cho các nước khác. ASEAN và Trung Quốc phải cùng nhau hợp tác và đảm bảo quyền tiếp cận công bằng đối với vaccine với giá cả phải chăng cho tất cả mọi người. Và về lâu dài, ASEAN và Trung Quốc cần tìm hiểu việc thiết lập quan hệ đối tác rộng hơn trong việc xây dựng hệ thống y tế quốc gia, quản trị y tế khu vực và khả năng thích ứng của ngành y tế về thuốc và vaccine.
Liên quan đến phục hồi kinh tế, Ngoại trưởng Marsudi cho rằng là đối tác thương mại lớn nhất của nhau, ASEAN và Trung Quốc có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực. Kim ngạch thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc trong quý II vừa qua đã đạt 300 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Marsudi nhấn mạnh rằng việc phục hồi nền kinh tế phải là ưu tiên chung của ASEAN và Trung Quốc, và các rào cản thương mại được thiết lập trong thời kỳ đại dịch cần phải được dỡ bỏ. Ủy ban hỗn hợp FTA ASEAN-Trung Quốc và Trung tâm ASEAN-Trung Quốc có thể là nền tảng phù hợp nhằm tăng cường điều phối chính sách và hợp tác tạo thuận lợi thương mại.
Cũng theo Ngoại trưởng Indonesia, tiềm năng thương mại điện tử của Trung Quốc – vốn chiếm khoảng 40% giá trị bán lẻ thương mại điện tử toàn cầu - tạo cơ hội cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhở và vừa (MSME) của ASEAN liên kết với các chuỗi cung ứng trong khu vực và tiếp cận thị trường lớn hơn.