Theo hãng tin AFP ngày 28/3, một nhân viên bảo vệ đã bị bắn chết tại trụ sở của đài truyền hình được xem nhiều nhất ở Albania, Top Channel, vào đầu tuần này, trong một vụ được gọi là một cuộc tấn công khủng bố và là cuộc tấn công nghiêm trọng nhất vào tự do truyền thông trong nhiều thập kỷ.
Pal Kola, bảo vệ 60 tuổi, bị bắn chết sau khi các tay súng không rõ danh tính nổ súng vào khuôn viên đài truyền hình ở thủ đô Tirana. Một chiếc ô tô bị cháy sau đó được tìm thấy tại một địa điểm cách nơi xảy ra vụ xả súng khoảng 40km, được cho là của các nghi phạm và trong xe có hai khẩu AK-47.
Cảnh sát chưa đưa ra động cơ của vụ tấn công, nói rằng "cuộc điều tra đang diễn ra", nhưng họ xác nhận rằng những kẻ tấn công đã sử dụng súng trường Kalashnikov.
Vài giờ sau vụ việc, Top Channel đã lên án vụ tấn công, gọi đây là hành vi tấn công quyền tự do ngôn luận.
"Mục tiêu duy nhất của 'hành động khủng bố' chưa từng có này là làm tổn hại và tấn công sứ mệnh của truyền thông tự do và sức mạnh của quyền tự do ngôn luận", tuyên bố của Top Channel cho biết.
Hội đồng Truyền thông Albania đã lên án vụ việc và nói rằng “cuộc tấn công chưa từng có này cho thấy tình thế khó khăn của giới truyền thông ở Albania, nơi mà sự an toàn của họ không được đảm bảo khi tội phạm vẫn dám tấn công một trong những phương tiện truyền thông lớn nhất trong nước”.
Trong khi đó, Thủ tướng Albania Edi Rama đã gửi lời chia buồn tới gia đình nạn nhân và các nhân viên tại Top Channel, đồng thời kêu gọi "sự đoàn kết của mọi người vào thời điểm rất đáng lo ngại này".
Đại sứ quán Mỹ tại Tirana cũng lên án vụ nổ súng. "Chúng tôi kêu gọi cơ quan thực thi pháp luật tiến hành một cuộc điều tra toàn diện để đưa thủ phạm ra trước công lý", đại sứ quán Mỹ nêu rõ.
Top Channel được thành lập vào năm 2001 và bao gồm đài phát thanh, truyền hình và phương tiện truyền thông trực tuyến, công ty viễn thông. Kênh này được phát sóng khắp châu Âu và Bắc Mỹ, phục vụ cộng đồng người Albanian rộng lớn.
Albania từng khét tiếng về buôn bán vũ khí trái phép. Hơn một triệu khẩu súng trường Kalashnikov (AK-47) đã bị đánh cắp từ các nhà kho quân sự trong một cuộc nổi dậy vào những năm 1990.
Tuy nhiên, các vụ xả súng hàng loạt và tấn công bạo lực nhằm vào các nhà báo rất hiếm xảy ra ở quốc gia nghèo vùng Balkan này.