Ai trong tầm ngắm của hố tử thần?

Lặng lẽ đến trong đêm mà không hề báo trước, chiếc hố tử thần với “cái miệng” rộng 6 mét đột ngột mở toác ra bên dưới người đàn ông 37 tuổi khốn khổ ở bang Florida (Mỹ) - Jeff Bush - rồi “xơi tái” cả căn phòng ngủ lẫn chủ nhân của nó.

 

Một hố tử thần khổng lồ ở Goatêmala.

Sự việc xảy ra cuối tháng 2/2013. Năm thành viên khác của ngôi nhà may mắn thoát hiểm. Các cơ quan chức năng đã kết luận Jeff Bush đã chết. Cuộc tìm kiếm thi thể nạn nhân cũng đã được gác lại.


Bi kịch trong đêm nói trên không khỏi khiến cho cộng đồng Mỹ xôn xao sợ hãi. Dư luận quan tâm nhiều nhất đến hai vấn đề: Tại sao xảy ra các hố tử thần và chúng xuất hiện như thế nào?


Theo chuyên gia Randall Orndorff của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) thì khái niệm hố tử thần dùng để chỉ một vụ sạt lở trên mặt đất, hoặc một cái hố hình chiếc bát được tạo ra do mặt đất đổ sập xuống khoảng trống phía dưới.


Một chiếc ô tô và 3 chiếc xe máy rơi vào hố tử thần ở tỉnh An Huy, Trung Quốc, tháng 8/2009.

Có hai loại hố tử thần chính. Một được gọi là “hố tử thần lún”, xảy ra ở những vùng đất pha nhiều cát. Khi đất sạt lở vào chỗ trống phía dưới, mặt đất phía trên bị lún theo. Quá trình lún diễn ra một cách từ từ, có thể từ nhiều năm cho đến hàng trăm hàng ngàn năm. Vì vậy, những hố tử thần kiểu này ít gây ra thiệt hại lớn.


Loại thứ hai là “hố tử thần sập”, xảy ra ở những vùng đất cứng. Trong quá trình đất rơi dần xuống dưới, nó tạo ra một khoảng rỗng trong lòng đất. Khoảng rỗng này sẽ “âm thầm” ăn dần lên trên cho đến lúc mọi thứ phía trên mặt đất đổ sập xuống dưới sức ép của trọng lực. Các hố tử thần kiểu này thường gây ra thảm họa cho con người.


Những khu vực có đá vôi hay muối bên dưới lớp đất mặt là những nơi hố tử thần thường xuất hiện, bởi các loại địa chất này dễ bị lớp nước ngầm hòa tan dần. Khi nước khô đi, khoảng trống được tạo ra và trọng lực thúc đẩy quá trình hố tử thần xuất hiện.


Nhưng tự nhiên không phải là nhân tố duy nhất có đủ sức mạnh để tạo ra các hố tử thần. Ở các khu vực đá vôi, chính các hoạt động của con người cũng góp phần tạo ra chúng. Từ đào giếng lấy nước, khai thác khoáng sản làm hạ mạch nước ngầm, cho đến các công trình xây dựng làm thay đổi dòng chảy khiến cho nước không ngấm vào đất một cách tự nhiên mà lại tập trung nhiều vào một số điểm nhất định, tất cả đều làm tăng nguy cơ xuất hiện hố tử thần.


Miền đông nước Mỹ, bang Pennsylvani, phía đông New York kéo dài xuống bang Tennessee đến Alabama, vùng cao nguyên Ozarks ở bang Missouri, bang Indiana, phía đông nam của Minnesota... đều là những cái tên nằm trong danh sách có nguy cơ xảy ra hố tử thần. Nhưng người dân Mỹ không phải là những người duy nhất phải nơm nớp lo sợ tai họa một ngày nào đó sẽ ập xuống đầu mình. Mêhicô, Bêlixê, Italia, Xlôvênia, Trung Quốc, Nga... tất cả các quốc gia trên thế giới đều tiềm ẩn nguy cơ hố tử thần.


Đôi lúc trước khi xuất hiện, các hố tử thần gửi đi tín hiệu báo trước cho con người. Những vết nứt trên móng nhà, sự bất thường của khung cửa, những vết nứt hay sụt lún trên mặt đất hoặc thậm chí là một cái cây bị nghiêng đều có thể là dấu hiệu báo trước chuyến “viếng thăm” đáng sợ của hố tử thần.


Thông thường, sau khi hình thành, các hố tử thần sẽ bị đất đá vùi lấp. Nhưng với bản chất là một đường ống tự nhiên, khi trời mưa, các hố tử thần sẽ dẫn nước vào thẳng mạch nước ngầm. Trong một số trường hợp chúng trở thành những “cổ họng mở” dẫn đến hệ thống hang bên dưới. Tùy thuộc vào độ sâu của mạch nước ngầm mà hố tử thần có thể chứa đầy nước và nghiễm nhiên trở thành hồ nước yên ả và thanh bình, khác xa với cái cách hình thành của nó.


Mặc dù đã có nhiều hố tử thần xuất hiện ở nhiều khu vực trên khắp thế giới, nhưng con số thương vong vẫn ở mức hạn chế bởi chúng không càn quét trên diện rộng như bão tố hay động đất. Hố tử thần có tính chất “địa phương”, nó chỉ xảy ra ở những địa điểm nhất định.


Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể trả lời được câu hỏi liệu tần suất xuất hiện của các hố tử thần trên thế giới đang tăng lên hay không. Nhưng có một điều chắc chắn là với việc dân số Trái Đất đang tiếp tục tăng lên, con người tiếp tục xây dựng trên nhiều khu vực dễ bị tác động thì việc “đụng độ” với các hố tử thần là không thể tránh khỏi.


Anh Minh (Theo National Geographic)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN