Ai Cập trục xuất Đại sứ Qatar

Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh, Chính phủ Ai Cập đã ra lệnh trục xuất đối với Đại sứ Qatar, yêu cầu ông này phải rời khỏi Ai Cập trong vòng 48 tiếng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Abu Zeid.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Cairo tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập - ông Ahmed Abu Zeid, Đại sứ Qatar đã được triệu tới trụ sở Bộ Ngoại giao Ai Cập để nhận thông báo về việc chấm dứt sứ mệnh của ông tại quốc gia này.

Cũng trong ngày 5/6, Bộ Hàng không dân dụng Ai Cập thông báo nước này sẽ thực hiện lệnh cấm các chuyến bay đến và đi từ Qatar kể từ lúc 6 giờ sáng ngày 6/6 (giờ địa phương). Tuyên bố nêu rõ: "Bộ hàng không dân dụng Ai Cập quyết định đình chỉ tất cả các chuyến bay giữa Ai Cập và Qatar, đồng thời đóng không phận Ai Cập đối với các máy bay của Qatar muốn quá cảnh hoặc bay qua nước này".

Chính phủ Ai Cập cũng đã thành lập Ủy ban Khẩn cấp, với sự tham gia của 5 bộ, để theo dõi những diễn biến liên quan đến quyết định của Cairo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.
    
Ủy ban trên, gồm đại diện các Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Nội vụ, Lao động và Di trú, sẽ thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình và đưa ra các giải pháp liên quan đến công dân Ai Cập làm việc trong khu vực công và tư nhân của Qatar. Chủ tịch Hội Người Ai Cập tại Qatar, ông Mohamed El-Iraqi cho biết: "Ước tính có khoảng 300.000 công dân Ai Cập đang cư trú chính thức tại Qatar. Cộng đồng người Ai Cập tại Qatar hiện đang rất lo lắng và cảm thấy bất an".

Theo ông El-Iraqi, ông đã nhận được điện thoại từ Bộ trưởng Lao động Mohamed Saffan và Bộ trưởng Di trú Nabila Makram đề nghị kiểm tra tình hình công dân Ai Cập sinh sống và làm việc tại Qatar. Ông cho biết thêm, mối quan tâm lớn hiện nay của công dân Ai Cập tại Qatar là liệu họ có giữ được việc làm hay không. Đại sứ quán Ai Cập tại Qatar đang chuẩn bị đóng cửa và một ủy ban điều hành sẽ giám sát các vấn đề liên quan đến công dân Ai Cập ở Qatar.
    
Trong khi đó, một số nguồn tin từ Bộ Lao động Qatar cho hay cơ quan này vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến công dân Ai Cập tại quốc gia vùng Vịnh này. Báo Al-Ahram của Ai Cập dẫn các nguồn tin cho biết, một thỏa thuận được ký năm 1974 và hai Bản ghi nhớ ký năm 2004 và 2007 giữa Bộ Lao động hai nước tới nay vẫn có hiệu lực.
     

Trong khi đó, Chính phủ Saudi Arabia ngày 5/6 đã ra lệnh đóng cửa trụ sở kênh truyền hình Al-Jazeera của Qatar, đồng thời thu giấy phép hoạt động của Al-Jazeera tại nước này.

Với những căng thẳng đang ngày một leo thang hiện nay tại vùng Vịnh, đây được xem là cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất trong khu vực kể từ năm 1981, khi thành lập Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), gồm 6 quốc gia thành viên: Saudi Arabia, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait và Oman.

Hiện Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain, UAE, Yemen, Libya và Maldives đều đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với quốc gia giàu khí đốt Qatar, sau khi Riyadh cáo buộc Doha ủng hộ chủ nghĩa cực đoan "nhằm mục đích gây mất ổn định khu vực". Qatar đã bác bỏ cáo buộc này, cho rằng "đây là lời buộc tội không công bằng và thiếu căn cứ". Trong khi đó, Kuwait và Oman vẫn chưa đưa ra bình luận gì về các diễn biến tại khu vực.


TTXVN/Tin Tức
Phản ứng quốc tế về việc nhiều quốc gia vùng Vịnh cắt quan hệ ngoại giao với Qatar
Phản ứng quốc tế về việc nhiều quốc gia vùng Vịnh cắt quan hệ ngoại giao với Qatar

Nhiều quốc gia trên thế giới đã có phản ứng trước quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar ngày 5/6 của 4 nước vùng Vịnh Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) với cáo buộc Doha ủng hộ các tổ chức khủng bố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN