Người phát ngôn Bộ Y tế Ai Cập Khaled Megahed cho biết số bệnh nhân tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Ai Cập hiện là 645 người, sau khi có thêm 15 ca tử vong trong ngày 18/5. Bên cạnh đó, quốc gia Bắc Phi này cũng có thêm 268 bệnh nhân COVID-19 được xuất viện, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 3.440 người.
Cùng ngày, hãng hàng không quốc gia Egypt Air đã thực hiện chuyến bay đặc biệt để đưa 340 công dân Ai Cập từ Mỹ hồi hương. Ngay khi máy bay hạ cánh tại thành phố Marsa Alam của Ai Cập, những người này đã được kiểm tra y tế và chuyển tới các cơ sở cách ly trong vòng 14 ngày.
Ai Cập bắt đầu hoạt động hồi hương công dân ở nước ngoài kể từ tháng 3 vừa qua, sau khi nhiều nước đóng cửa không phận đối với các chuyến bay thương mại. Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly hy vọng sẽ hồi hương tất cả các công dân nước này bị mắc kẹt ở nước ngoài trước khi diễn ra kỳ nghỉ lễ Eid Al-Fitr của người Hồi giáo, dự kiến bắt đầu vào ngày 24/5 tới.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Phó Tổng thống thứ nhất của Nam Sudan - ông Riek Machar ngày 18/5 đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Phu nhân của ông Machar - đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng Angelina Teny, cùng một số nhân viên văn phòng và vệ sĩ cũng bị nhiễm bệnh. Hiện tất cả trong số họ đều đang cách ly tại nhà riêng trong 14 ngày.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nam Sudan đã ghi nhận 339 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 6 người đã tử vong. Tuy số người mắc bệnh ở mức thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực nhưng dư luận nhận định con số mắc bệnh trên thực tế có thể cao hơn, do các điều kiện để phát hiện dịch bệnh ở Nam Sudan rất thiếu thốn, khi chỉ có 3.908 xét nghiệm đã được thực hiện. Các cơ quan nhân đạo quốc tế đã đưa ra cảnh báo về sự tăng mạnh các trường hợp nhiễm mới trong những ngày gần đây, đặc biệt là nguy cơ dịch bệnh có thể lây nhiễm cho lượng lớn người trước tình trạng có quá đông người đang tập trung trong các trại tị nạn.
Ông Claudio Miglietta - Trưởng phái đoàn của tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) tại Nam Sudan, cho biết sự tăng mạnh số lượng bệnh nhân COVID-19 là điều đáng lo ngại. Vấn đề càng trở nên khó giải quyết khi dịch bệnh đã bắt đầu xuất hiện trong các trại tị nạn lớn nhất cả nước. Điều kiện sống khó khăn, sự thiếu thốn các điều kiện vệ sinh tối thiểu cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản đã khiến công tác ngăn chặn dịch bệnh gặp nhiều trở ngại.
Trong tuần này, cơ quan chức năng Nam Sudan cho biết đã phát hiện trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 trong một trại tập trung có khoảng 30.000 người ở thủ đô Juba. Đây là những người buộc phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn bạo lực, đang phải trông chờ vào sự hỗ trợ, bảo vệ của Liên hợp quốc từ năm 2013. Một trường hợp nhiễm bệnh khác cũng đã được ghi nhận tại một trại tương tự ở Bentiu, phía Bắc nước này, nơi đang tiếp nhận 120.000 người tị nạn.
Còn tại Palestine, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã tăng lên 565 người.
Bộ trưởng Y tế Mai al-Kaila ngày 18/5 cho biết Palestine đã có thêm 11 ca mắc COVID-19 mới được phát hiện tại làng Beit Oula thuộc quận Hebron, phía Nam Bờ Tây, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Palestine lên 565 người.
Bà al-Kaila cho biết: "Trong số 11 ca nhiễm mới, có một trẻ 2 tuổi, một trẻ 5 tuổi, một phụ nữ 31 tuổi và 3 nam giới". Cũng theo bà al-Kaila, Palestine cùng ngày đã ghi nhận thêm 7 bệnh nhân COVID-19 phục hồi sức khỏe.
Theo Bộ trưởng al-Kaila, hiện có 106 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị, gồm 67 ca tại Đông Jerusalem và khu vực lân cận, 35 ca tại quận Hebron và 4 ca tại Dải Gaza.
Bộ trưởng al-Kaila đã kêu gọi người Palestine tuân thủ các cảnh báo y tế và giãn cách xã hội để chấm dứt tình trạng lây lan của dịch bệnh. Bà cũng hối thúc người lao động Palestine ở Israel tuân thủ các biện pháp phòng dịch, chủ yếu là cách ly tại nhà, khi họ từ Israel trở về Bờ Tây cho đến khi được xét nghiệm.
Chính phủ Palestine tuyên bố chấm dứt hạn chế đi lại tại Bờ Tây cho đến cuối tuần này, trước khi cấm di chuyển giữa các thành phố và thị trấn trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr sắp tới.