Ai Cập rút khỏi hiệp định ngũ cốc của Liên hợp quốc

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Ai Cập ngày 9/3 đưa ra thông báo sẽ rút khỏi hiệp định ngũ cốc lâu đời của Liên hợp quốc (LHQ) bắt đầu từ cuối tháng 6 tới.

Chú thích ảnh
Ngũ cốc được bày bán tại khu chợ ở Cairo, Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc Ai Cập rời khỏi Hiệp định thương mại đa quốc gia về ngũ cốc (GTC) diễn ra trong bối cảnh xảy ra những xáo trộn lớn trên thị trường do cuộc xung đột ở Ukraine và mối quan ngại về an ninh lương thực toàn cầu.

Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi có những đánh giá từ Bộ Cung ứng và Nội thương cho rằng tư cách thành viên của Ai Cập trong Hội đồng Ngũ cốc quốc tế ( IGC) đã “không mang lại các giá trị gia tăng”.

Ai Cập đã ký hiệp định quốc tế GTC bắt đầu từ năm 1995. Vào tháng 2 vừa qua, Ai Cập đã gửi yêu cầu rút khỏi hiệp định này từ ngày 30/6 tới.

Ông Arnaud Petit - Giám đốc điều hành của Hội đồng Ngũ cốc quốc tế, cơ quan quản lý hiệp định GTC, tuyên bố lấy làm tiếc về quyết định này của Ai Cập. Một số thành viên kêu gọi Ai Cập xem xét lại quyết định này. 

Các bên ký kết khác của GTC, trong đó có các nhà nhập khẩu và xuất khẩu lớn ngũ cốc như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Ai Cập hiện là một trong những quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.

Quốc gia Bắc Phi này đã nhập khẩu phần lớn ngũ cốc chất lượng cao và giá cả cạnh tranh từ Nga và Ukraine, vốn được vận chuyển qua Biển Đen. Tuy nhiên, sau sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình hình bất ổn tại Ukraine, Ai Cập đã và đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung cấp lúa mì, trong đó có thị trường Ấn Độ.

Bánh mì là một loại lương thực chính trong chế độ ăn của người Ai Cập, với mức tiêu thụ gần 100 tỷ ổ bánh mì mỗi năm. Đất nước 104 triệu dân này đã bị thiếu hụt lúa mì kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine vào tháng 2/2022, do 80% lượng nhập khẩu của quốc gia Bắc Phi này đến từ Nga và Ukraine. Giới chức Ai Cập ước tính nước này cần nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn lúa mì trong tài khóa 2022-2023.

Nguyễn Tùng (TTXVN)
Nga: Còn nhiều 'câu hỏi' liên quan đến Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen
Nga: Còn nhiều 'câu hỏi' liên quan đến Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen

Điện Kremlin ngày 9/3 cho biết vẫn còn “nhiều câu hỏi” liên quan đến Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và hiện Moskva chưa lên kế hoạch cho cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres về việc này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN