Phóng TTXVN tại Ai Cập dẫn lời Tổng thư ký Hội đồng Cổ vật Tối cao Mostafa Waziri cho biết nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một số đồ tùy táng, bao gồm hàng trăm bình lớn chứa rượu vang 5.000 năm tuổi, trong đó một số bình còn nguyên nút và được bảo quản tốt.
Ông Waziri tiết lộ rằng các chữ khắc cũng chỉ ra rằng Meret-Neith đã từng phụ trách các cơ quan chính quyền trung ương, chẳng hạn như kho bạc. Điều này cũng củng cố thêm giả thuyết cho rằng người phụ nữ này từng giữ một vị trí quan trọng trong chính quyền Ai Cập cổ đại.
Giám đốc Viện Khảo cổ học Đức, ông Dietrich Raue nói thêm rằng Meret-Neith là người phụ nữ duy nhất sở hữu lăng mộ hoành tráng tại nghĩa trang hoàng gia đầu tiên của Ai Cập ở thành phố Abydos và có lẽ bà là người phụ nữ quyền lực nhất trong thời đại của mình.
Ông Raue khẳng định thêm rằng các cuộc khai quật gần đây đã cung cấp thông tin mới về “người phụ nữ độc nhất vô nhị và thời đại của bà” và làm dấy lên suy đoán rằng Meret-Neith có thể là nữ hoàng đầu tiên của Ai Cập cổ đại, trước cả Nữ hoàng Hatshepsut của Vương triều thứ 18. Tuy nhiên, theo ông, danh tính thực sự của bà vẫn còn là một điều bí ẩn.
Trong khi đó, người đứng đầu đoàn khảo cổ Áo, E. Christiana Kohler, cho biết quần thể lăng mộ hoành tráng của Meret-Neith ở sa mạc Abydos, bao gồm lăng mộ chính của bà và mộ của 41 cận thần và người hầu, được xây bằng gạch bùn không nung, bùn và gỗ.
Bà Kohler nói thêm rằng thông qua các phương pháp khai quật tỉ mỉ và công nghệ khảo cổ mới, nhóm nghiên cứu đã chứng minh rằng các ngôi mộ được xây dựng theo từng giai đoạn trong một khoảng thời gian tương đối dài.