Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour ngày 22/12 đã gặp đại diện của nhiều lực lượng chính trị để thảo luận về lộ trình chuyển tiếp do quân đội công bố sau cuộc chính biến hôm 3/7 lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi. Trước đó, hàng trăm người biểu tình ủng hộ các nhóm chính trị đối lập đã tuần hành tại thủ đô Cairo, Ai Cập ngày 16/12. Ảnh: THX/TTXVN |
Đây là cuộc đối thoại dân tộc lần thứ 2 do Phủ Tổng thống Ai Cập tổ chức liên quan đến việc lựa chọn hệ thống bầu cử cũng như lịch trình các cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra trong nửa đầu năm 2014. Tham dự cuộc đối thoại gồm những người đứng đầu các đảng Dân chủ Xã hội, Wafd, Al-Nour, Trào lưu Nhân dân, cùng các chính trị gia, học giả, nhà báo và thành viên Ủy ban sửa đổi hiến pháp.
Theo ông Khaled Dawoud, phát ngôn viên của Đảng Hiến pháp, 75 người tham dự cuộc đối thoại dân tộc lần này đã bỏ phiếu ủng hộ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trước cuộc bầu cử quốc hội, trong khi 12 người khác bỏ phiếu ủng hộ lựa chọn ngược lại. Ngoài ra, 53 người bỏ phiếu ủng hộ tổ chức bầu cử quốc hội theo hệ thống hỗn hợp, 23 người ủng hộ hệ thống bầu cử cá thể và 6 người ủng hộ bầu cử theo danh sách đảng phái.
Tại cuộc gặp này, Tổng thống lâm thời Adly Mansour đã công bố sắc lệnh thành lập Ủy ban tìm hiểu sự thật để điều tra tất cả các vụ đụng độ đẫm máu kể từ làn sóng biểu tình chống chính phủ rầm rộ hôm 30/6, trong đó có cả chiến dịch giải tán 2 địa điểm tập trung của những người ủng hộ ông Morsi tại Cairo và tỉnh Giza kế bên hôm 14/8, khiến hơn 850 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.
Trong một diễn biến khác, Liên minh quốc gia ủng hộ tính hợp pháp (NASL) tại Ai Cập đã chính thức công bố tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp, dự kiến tổ chức trong 2 ngày 14 và 15/1/2014.
Báo mạng "Al-Masry Al-Youm" dẫn tuyên bố của NASL tại cuộc họp báo ngày 22/12 cho biết tổ chức này kêu gọi người dân Ai Cập tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý vì lý do "chính trị, pháp lý và pháp quyền". NASL cáo buộc chế độ tìm cách dàn dựng cuộc trưng cầu dân ý và hủy bỏ mục tiêu của cuộc cách mạng ngày 25 tháng giêng.
Tuyên bố cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp năm 2012 không có giá trị vì dự thảo do một ủy ban của "chính quyền đảo chính" bổ nhiệm soạn thảo. Mặt khác, NASL nói rằng bầu không khí chính trị không thích hợp cho cuộc trưng cầu dân ý do tình trạng phân cực trong xã hội, kích động hận thù. Chính quyền không có các biện pháp bảo vệ cần thiết để đảm bảo tính trung thực của cuộc trưng cầu dân ý với sự giám sát của các chuyên gia trong nước, quốc tế và giới truyền thông, cũng như đảm bảo an toàn cho các điểm bầu cử và hoạt động kiểm phiếu của các tiểu ban...
T.N