Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, trang web tin tức Walla của Israel cho biết rằng giai đoạn đầu tiên trong đề xuất của Ai Cập gồm trao đổi tù nhân và con tin để đạt được lệnh ngừng bắn trong nhiều ngày. Walla cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và Tham mưu trưởng Herzi Halevi hoan nghênh đề xuất được đệ trình lên Nội các an ninh Israel. Tuy nhiên, tin cho biết đề xuất, vốn nằm trong nỗ lực phá vỡ bế tắc hiện nay, đã vấp phải sự phản đối của Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich.
Dù có nhiều ý kiến trái chiều, song các cuộc thảo luận trong cuộc họp Nội các an ninh Israel được cho chỉ mang tính sơ bộ, không dẫn đến bất kỳ quyết định hoặc bỏ phiếu nào.
Hiện chưa rõ vai trò của Hamas trong “thỏa thuận hạn chế” này. Tuy nhiên, Hamas trước đó đã đồng ý thực hiện kế hoạch ngừng bắn do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra vào hôm 31/5 và sau đó được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chấp thuận.
Vào thời điểm đó, Tổng thống Mỹ mô tả đề xuất này là “lộ trình ba giai đoạn hướng tới lệnh ngừng bắn lâu dài và thả tất cả con tin”. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thêm nhiều yêu cầu mới vào thỏa thuận này vài ngày sau khi Hamas chấp thuận, gồm quyền kiểm soát lâu dài của Israel với hành lang Philadelphi và Netzarim. Theo đó, thỏa thuận đã không thể thực thi do Hamas kiên quyết bác bỏ bất kỳ yêu cầu hoặc điều kiện mới.
Nhật báo Haaretz dẫn tuyên bố của một quan chức Israel ngày 21/10 cho biết để các cuộc đàm phán tiến triển, Israel cần thể hiện linh hoạt hơn trong lập trường đàm phán, chẳng hạn như rút khỏi hành lang Philadelphi. Ông nhấn mạnh thêm, nếu không có sự linh hoạt như vậy, sẽ không thể có tiến triển trong đàm phán.
Những phân tích của truyền thông Israel cũng nhận định tiến trình thảo luận trao đổi tù nhân và “thỏa thuận hạn chế” có thể phải đối mặt với nhiều rào cản hơn nữa, do Israel có thể ưu tiên đáp trả cuộc tấn công gần đây của Iran.
Ai Cập, cùng với Mỹ và Qatar, đã làm trung gian cho các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Israel và Hamas để đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc xung đột kéo dài hơn một năm của Israel ở Gaza, khiến hơn 140.000 người Palestine thiệt mạng và bị thương, chủ yếu là trẻ em và phụ nữ, trong khi đó hầu hết cơ sở hạ tầng của Gaza bị phá hủy và phần lớn dân số phải di dời.