Chiến tranh ám ảnh binh sĩ Israel sau khi rời khỏi Gaza

Đối với nhiều binh sĩ, cuộc chiến ở Gaza là cuộc chiến sống còn và phải giành chiến thắng bằng mọi cách. Nhưng trận chiến cũng gây ra tổn thất về mặt tinh thần với họ.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Israel thực hiện chiến dịch quân sự ở Dải Gaza ngày 25/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Người lính dự bị Israel Eliran Mizrahi (40 tuổi) có 4 con, được điều động vào Gaza sau cuộc đột kích của Hamas vào Israel vào ngày 7/10/2023. Tuy nhiên, khi trở lại cuộc sống tại Israel sau 6 tháng tham chiến, anh bị ám ảnh bởi những gì đã chứng kiến trong cuộc chiến.

Vật lộn với chứng rối loạn tâm lý sau chấn thương (PTSD), Eliran đã không thể gắng gượng và tự kết liễu đời mình.

“Mizrahi rời Gaza nhưng Gaza chưa bao giờ thôi ám ảnh Mizrahi”, bà Jenny Mizrahi – mẹ của người lính xấu số - chia sẻ.

Theo đài truyền hình CNN, quân đội Israel cho biết họ đang chăm sóc cho hàng nghìn binh sĩ bị PTSD hoặc các bệnh tâm thần do chấn thương trong chiến tranh. Không rõ có bao nhiêu người đã tự kết liễu đời mình vì Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) chưa cung cấp con số chính thức.

Theo thống kê của Cơ quan Y tế Gaza, một năm kể từ khi xung đột nổ ra tại vùng đất bị phong tỏa của người Palestine, cuộc chiến đã giết chết hơn 42.000 người, trong đó Liên hợp quốc báo cáo hầu hết những người thiệt mạng là phụ nữ và trẻ em.

Cuộc chiến này trở thành cuộc chiến kéo dài nhất của Israel kể từ khi nhà nước này được thành lập. Và khi xung đột mở rộng sang Liban, một số binh sĩ nói rằng họ sẽ bị lôi vào một cuộc xung đột khác.

“Rất nhiều người trong chúng tôi rất sợ phải tham gia cuộc chiến ở Liban một lần nữa”, một bác sĩ quân y Israel giấu tên từng phục vụ 4 tháng ở Gaza chia sẻ.

Những người lính Israel từng chiến đấu trong Gaza nói với CNN rằng họ đã chứng kiến ​​nỗi kinh hoàng mà thế giới bên ngoài không bao giờ có thể thực sự hiểu được.

Đối với nhiều binh sĩ, cuộc chiến ở Gaza là cuộc chiến sống còn và phải giành chiến thắng bằng mọi cách. Nhưng trận chiến cũng gây ra tổn thất về mặt tinh thần.

Chú thích ảnh
Các tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Deir el-Balah, Dải Gaza, ngày 2/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Mizrahi là một quân nhân dự bị, trước đây làm quản lý tại một công ty xây dựng của Israel. Năm ngoái, sau cuộc đột kích của Hamas, anh được triển khai tới Gaza vào ngày 8/10 và được giao nhiệm vụ lái xe bọc thép D-9 nặng 62 tấn có thể chịu được đạn và chất nổ. Sau khi tham gia chiến đấu 186 ngày, Mizrahi gặp chấn thương ở đầu gối và bị tổn thương thính giác. Đến tháng 4, khi trở về nhà, Mizrahi được chẩn đoán mắc chứng PTSD và phải trị liệu hàng tuần. Tuy nhiên, quá trình trị liệu không hiệu quả.

Gia đình Mizrahi cho biết anh thường xuyên giận dữ, đổ mồ hôi, mất ngủ và xa lánh xã hội. Anh nói với gia đình rằng chỉ những người ở Gaza cùng anh mới hiểu được những gì anh đang trải qua.

Theo bà Jenny, có lẽ việc chứng kiến nhiều người chết là một cú sốc đối với con trai bà, khi từ trước đến nay, anh chưa từng được dạy phải giết ai đó.

Guy Zaken, một người bạn của Mizrahi và cùng lái chiếc xe D-9, nói thêm về trải nghiệm của họ ở Gaza: “Chúng tôi đã chứng kiến ​​những điều rất, rất, rất khó khăn. Những điều khó chấp nhận”.

Phát biểu trước Quốc hội vào tháng 6, cựu quân nhân nói rằng trong nhiều trường hợp, binh lính đã phải xông qua hàng trăm tay súng, dù họ trong trạng thái còn sống hay đã chết.

Ahron Bregman, một nhà khoa học chính trị tại Đại học King's College London từng phục vụ trong quân đội Israel trong 6 năm, bao gồm cuộc Chiến tranh Liban năm 1982, cho biết cuộc chiến ở Gaza không giống bất kỳ cuộc chiến nào khác của Israel.

“Nó kéo dài và diễn ra ở các thành phố. Có nghĩa là binh lính chiến đấu giữa nhiều người, và đại đa số là dân thường”, ông Ahron lý giải.

Ông Ahron cho biết những người vận hành xe ủi D-9 nằm trong số những người trực tiếp hứng chịu sự tàn khốc của chiến tranh. “Những gì họ nhìn thấy là những người chết và họ dọn xác chết cùng với những mảnh vỡ. Những người lính phải vượt qua điều này. Đối với nhiều người, việc chuyển từ chiến trường trở lại cuộc sống thường nhật có thể là điều quá sức chịu đựng, đặc biệt là sau chiến tranh đô thị liên quan đến cái chết của phụ nữ và trẻ em”, cựu quân nhân chia sẻ.

Theo Bộ Y Israel, hơn 500 người chết vì tự tử và hơn 6.000 người khác tìm cách tự tử mỗi năm. Tờ Times of Israel đưa tin vào năm 2021, tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho binh sĩ IDF.

Đầu năm nay, Bộ Y tế đã bác bỏ tin đồn về tỷ lệ tự tử gia tăng kể từ ngày 7/10, nói rằng các trường hợp được báo cáo là sự cố riêng lẻ. Không cung cấp số liệu cụ thể, Bộ Y tế cho biết tỷ lệ tự tử ở Israel đã giảm trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 so với cùng kỳ những năm gần đây.

Ông Ahron cho hay mỗi đơn vị quân đội đều có một sĩ quan sức khỏe tâm lý được chỉ định trong và sau khi triển khai hoạt động tấn công. Tuy nhiên, tác động của cuộc chiến vẫn ảnh hưởng lớn tới những người lính trẻ chỉ mới 18 tuổi. Họ thường khóc hoặc bị tê liệt về mặt cảm xúc.

Bechor, nhà tâm lý học của IDF, cho biết một trong những cách quân đội giúp những người lính bị chấn thương tiếp tục cuộc sống là cố gắng “bình thường hóa” những gì họ đã trải qua, một phần bằng cách nhắc nhở họ về nỗi kinh hoàng ngày 7/10/2023.

“Chúng tôi cố gắng bình thường hóa nó và giúp họ nhớ lại các giá trị của mình cũng như lý do tại sao họ lại đến Gaza”, bác sĩ Bechor cho hay.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo CNN)
WHO sơ tán 1.000 phụ nữ và trẻ em ở Gaza cần chăm sóc y tế khẩn cấp
WHO sơ tán 1.000 phụ nữ và trẻ em ở Gaza cần chăm sóc y tế khẩn cấp

Ngày 21/10, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hans Kluge cho biết có đến 1.000 phụ nữ và trẻ em cần chăm sóc y tế sẽ sớm được sơ tán từ Gaza đến châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN