Ai Cập chìm trong bạo lực

Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra trên khắp Ai Cập trong ngày 16/8 nhằm hưởng ứng lời kêu gọi "Ngày thứ Sáu giận dữ" của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) sau các vụ trấn áp của cảnh sát chống bạo động giải tán hai cuộc biểu tình ngồi ở Cairo.

Các vụ trấn áp ngày 14/8 đã khiến 638 người thiệt mạng và gần 4.000 người bị thương - ngày đẫm máu nhất ở Ai Cập trong nhiều thập kỷ qua.

Cảnh tàn phá sau cuộc xung đột giữa lực lượng an ninh và người biểu tình gần quảng trường Ramses ở Cairo, ngày 16/8/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Xung quanh quảng trường Ramses ở trung tâm Cairo, các cuộc đụng độ nổ ra từ chiều và kéo dài tới tận tối giữa người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi với cảnh sát và người dân khu vực. Ít nhất 54 người bị thiệt mạng tại địa điểm này.

Quân đội được trang bị xe bọc thép vẫn được triển khai dày đặc ở Cairo, thắt chặt an ninh xung quanh các trụ sở chính quyền, phong tỏa nhiều tuyến phố quan trọng. Trong khi đó, các nhân chứng cho biết người ủng hộ ông Morsi cũng chặn nhiều cửa ngõ ra vào Cairo khiến giao thông rối loạn.

Tại tỉnh Giza, đụng độ cũng nổ ra tại quận Dokki và tại khu vực gần quảng trường Giza. Cảnh sát đã buộc phải bắn đạn hơi cay để giải tán đám đông quá khích.

Tại thành phố kênh đào Suez, quân đội đã dùng vũ lực giải tán một cuộc biểu tình của phe Hồi giáo tại quảng trường Shohada sau giờ giới nghiêm. Đụng độ bạo lực cũng nổ ra tại thành phố Ismailia nằm dọc kênh đào Suez, cũng như các thành phố Tanta và Damietta nằm ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile. Tại Alexandria, thành phố lớn thứ hai của Ai Cập nằm bên bờ Địa Trung Hải, ít nhất 21 người bị bắn chết và 101 người bị thương trong các cuộc đụng độ.

Tại tỉnh Fayoum ở vùng Thượng Ai Cập, 8 người thiệt mạng và 70 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình ủng hộ ông Morsi. Đụng độ nổ ra khi một số thanh niên dùng gạch đá tấn công vào một cuộc tuần hành của phe Hồi giáo. Người biểu tình đã chiếm một xe tăng của quân đội trước khi bị đẩy lùi.

Tại tỉnh Minya cũng ở vùng Thượng Ai Cập, người biểu tình đã tấn công và cướp phá nhiều nhà thờ và 2 trường dòng của người Cơ Đốc giáo. Kể từ ngày 14/8, ít nhất 32 nhà thờ Cơ Đốc giáo đã bị người biểu tình Hồi giáo phóng hỏa hoặc cướp phá. Ngoài ra, hàng loạt tài sản của người Cơ Đốc giáo cũng trở thành mục tiêu tấn công của những người biểu tình ủng hộ ông Morsi.

Tại thành phố El-Arish thuộc tỉnh Bắc Sinai, các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình khiến 6 người thiệt mạng và 17 người bị thương. Nguồn tin an ninh cho biết người biểu tình ủng hộ ông Morsi đã tấn công một đồn cảnh sát, xả súng, ném lựu đạn và bom xăng vào trụ sở Cơ quan Phòng vệ Dân sự. Các tay súng không rõ danh tính cũng phóng 3 quả rốckét vào tư dinh của tỉnh trưởng.

Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết cảnh sát nước này ngày 16/8 đã bắt giữ 1.004 người biểu tình ủng hộ tổ chức MB, trong số đó có 558 người bị bắt tại Cairo. Theo các quan chức và nhân chứng, các vụ bạo lực cùng ngày khiến gần 85 người thiệt mạng và hơn 400 người bị thương.

Tình hình Ai Cập đang có chiều hướng diễn biến hết sức nguy hiểm sau khi cảnh sát dùng vũ lực giải tán các cuộc biểu tình ngồi của những người ủng hộ ông Morsi. Các cuộc biểu tình của phe Hồi giáo ngày một đông và bạo lực hơn, bấp chấp tình trạng khẩn cấp vừa được chính quyền công bố cũng như các cảnh báo cứng rắn của lực lượng an ninh.

Liên minh Quốc gia ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng vừa được thành lập do MB đứng đầu và quy tụ nhiều lực lượng Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi - thông báo sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình "hòa bình" hàng ngày trong tuần tới nhằm phản đối cái gọi là "cuộc đảo chính quân sự" lật đổ vị Tổng thống dân bầu đầu tiên trong lịch sử Ai Cập này.

Trong khi đó, cùng ngày, Chính phủ Ai Cập đã kêu gọi người dân đứng lên chống lại "âm mưu khủng bố nguy hiểm" của MB. Trong một tuyên bố, Nội các Ai Cập cáo buộc các "đối tượng khủng bố" thuộc thuộc tổ chức này đứng sau các vụ bạo lực hiện nay. Bộ Nội vụ Ai Cập trước đó đã "bật đèn xanh" cho việc quân đội dùng vũ lực và đạn thật để đối phó với người biểu tình tấn công cảnh sát và các cơ quan công quyền, trong khi cộng đồng quốc tế hối thúc các bên liên quan ở Ai Cập kiềm chế và chấm dứt tình trạng bạo loạn.

* Phản ứng của dư luận quốc tế

Ngày 16/8, Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) đã kêu gọi điều tra đầy đủ và công bằng về tình trạng đổ máu ở Ai Cập, đồng thời cho rằng phản ứng của chính quyền với các cuộc biểu tình là "cực kỳ bất công". Tổ chức nhân quyền đặt trụ sở tại London (Anh) cũng kêu gọi cho phép các chuyên gia Liên hợp quốc điều tra hành động đàn áp tại Ai Cập.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cùng ngày đã kêu gọi Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) can thiệp để tìm ra một giải pháp hòa bình. Trong khi đó, Các nước Mỹ Latinh đã đồng loạt lên án bạo lực đẫm máu tại Ai Cập.

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro ngày 16/8 đã ra lệnh rút đại sứ tại Ai Cập về nước, đồng thời kêu gọi Cairo phục chức cho Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi, khôi phục trật tự hiến pháp và sự bình yên tại Ai Cập giữa lúc bạo lực đẫm máu leo thang tại quốc gia Trung Đông này. Ông Maduro cho biết Venezuela sẽ cùng các thành viên khác của Liên minh Bolívar cho các dân tộc châu Mỹ (Alba) đưa vấn đề Ai Cập lên LHQ. Nhà lãnh đạo Venezuela tố cáo Mỹ và Israel đứng đằng sau cuộc đảo chính lật đổ ông Morsi cũng như các cuộc biểu tình phản đối chính phủ tại các nước khác trong khu vực như Syria.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao của Uruguay ra thông cáo lên án bạo lực leo thang tại Ai Cập, đồng thời kêu gọi các bên liên quan giải quyết bất đồng thông qua đối thoại. Bộ ngoại giao Brazil đã triệu Đại sứ Ai Cập tại nước này Hossameldin Mohamed Ibrahim Zaki để bày tỏ mối quan ngại về bạo lực gia tăng tại quốc gia Bắc Phi.

Trước đó hôm 15/8, các Bộ Ngoại giao của Ecuador, Peru, Mexico, Brazil, Argentina và Chile cũng ra thông cáo lên án tình trạng bạo lực đẫm máu tại Ai Cập.

Trong một thông điệp thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với giới chức quân đội Ai Cập, Quốc vương Saudi Arabia Abdullah ngày 16/8 đã kêu gọi các nước Arập cùng nhau chống lại "các nỗ lực gây bất ổn" tại Ai Cập. Saudi Arabia là đồng minh thân cận của cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và có lịch sử quan hệ không tốt đẹp với MB. Riyadh từng cam kết viện trợ 5 tỷ USD cho Cairo sau khi Tổng thống Morsi của MB bị lật đổ hồi tháng trước.


TTXVN/Tin tức
Cảnh sát Ai Cập bắt giữ hơn 1.000 người biểu tình
Cảnh sát Ai Cập bắt giữ hơn 1.000 người biểu tình

Cảnh sát Ai Cập đã bắt giữ 1.004 người được cho là ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo sau một ngày xảy ra đụng độ đẫm máu trên toàn quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN