Từ 8h sáng 15/12 theo giờ địa phương (13 giờ giờ Hà Nội), hàng triệu cử tri Ai Cập đã bắt đầu đi bỏ phiếu về dự thảo Hiến pháp mới. Cuộc trưng cầu dân ý lần này diễn ra trong bối cảnh đất nước Kim Tự Tháp đang bị chia rẽ sâu sắc và căng thẳng leo thang sau ba tuần liên tiếp diễn ra các cuộc biểu tình rầm rộ và các vụ đụng độ đẫm máu trên đường phố.
Cuộc trưng cầu dân ý lần này diễn ra theo hai đợt, trong đó đợt một được tổ chức ngày 15/12 tại 10 tỉnh, thành gồm: thủ đô Cairo, Alexandria, Dakahliya, Gharbiya, Sharqiya, Assiut, Aswan, Sohag, Sinai và Nam Xinai với tổng cộng khoảng 26,6 triệu cử tri tham gia. Đợt hai sẽ được tổ chức tại 27 tỉnh, thành còn lại vào ngày 22/12 tới. Bộ Phát triển Hành chính Ai Cập cho biết tổng số cử tri đăng ký tham gia bỏ phiếu trong cả hai đợt vào khoảng 51,3 triệu người.
Khoảng 380.000 binh sĩ quân đội và cảnh sát cùng 6.000 xe tăng, xe bọc thép được triển khai để đảm bảo an ninh tại các điểm bỏ phiếu và trụ sở các cơ quan nhà nước. Riêng tại thủ đô Cairo, lực lượng quân đội và cảnh sát sẽ được triển khai xung quanh 1.728 điểm bỏ phiếu, trong đó phần lớn được đặt tại các trường học và các trung tâm thanh thiếu niên.
Những người ủng hộ Tổng thống Morsi trong cuộc biểu tình ở Cairo ngày 14/12. AFP/TTXVN | |
Cuộc trưng cầu dân ý lần này diễn ra trong bối cảnh các cuộc tranh cãi gay gắt nổ ra xung quanh tính hợp pháp của cuộc bỏ phiếu. Mặt trận cứu quốc (NSF), một tổ chức quy tụ nhiều lực lượng chính trị đối lập, vừa quyết định nộp đơn kiện lên Tòa án hành chính Cairo với cáo buộc cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành hai đợt cách nhau một tuần, trái với quy định là 2 ngày theo điều luật về quyền chính trị ban hành năm 1956. Ông Rapha Phuđa, giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Cairo, cho rằng điều đó sẽ ảnh hưởng tới "nguyên tắc bình đẳng" giữa các công dân theo quy định trong Tuyên bố Hiến pháp. Tranh cãi thứ hai liên quan đến số lượng các thẩm phán tham gia giám sát tiến trình bỏ phiếu.
Theo Ủy ban bầu cử tối cao (HEC), hơn 7.000 thẩm phán sẽ tham gia giám sát tại 175 điểm bỏ phiếu chính và khoảng 6.375 địa điểm bỏ phiếu phụ đặt tại 10 tỉnh, thành. Chủ tịch HEC Samir Abu El- Maati khẳng định "mỗi hòm phiếu sẽ có một thẩm phán giám sát". Tuy nhiên, NSF cho rằng số lượng thẩm phán hiện không đủ giám sát tất cả các hòm phiếu và điều đó sẽ dẫn đến các hành vi gian lận. Câu lạc bộ thẩm phán khẳng định giai đoạn một của cuộc trưng cầu dân ý sẽ cần khoảng 13.000 thẩm phán, nhưng hiện mới chỉ có 5.775 thẩm phán đồng ý tham gia giám sát.
Sau một tuần do dự, phe đối lập, đứng đầu là NSF, đã kêu gọi cử tri bỏ phiếu phản đối dự thảo Hiến pháp thay vì tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý. Ngày 13/12, NSF ra tuyên bố nhấn mạnh bản dự thảo Hiến pháp, do phe Hồi giáo soạn thảo, âm mưu biến Ai Cập thành một quốc gia tôn giáo và là "mối đe dọa" đối với các quyền tự do cơ bản của người dân. Trong khi đó, các lực lượng ủng hộ Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi, trong đó chủ yếu là tổ chức Anh em Hồi giáo và nhóm Hồi giáo cực đoan Salafi, đã kêu gọi bỏ phiếu thông qua dự thảo Hiến pháp. Một ngày trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, phe Hồi giáo đã tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ ủng hộ dự thảo Hiến pháp và đòi áp dụng Luật Hồi giáo Sharia trước cửa các nhà thờ tại thủ đô Cairo và thành phố Alexandria.
Theo thông báo của HEC, các hòm phiếu sẽ đóng cửa vào lúc 19h cùng ngày (24 giờ giờ Hà Nội). Quá trình kiểm phiếu sẽ bắt đầu ngay sau khi kết thúc giai đoạn hai của cuộc trưng cầu dân ý. Với bộ máy vận động bầu cử được tổ chức tốt của phe Hồi giáo cũng như tâm trạng lo ngại bất ổn kéo dài của nhiều cử tri, nhiều khả năng dự thảo Hiến pháp sẽ được thông qua. Trong trường hợp ngược lại, Tổng thống Morsi sẽ phải thành lập Hội đồng lập hiến khác để sửa đổi dự thảo Hiến pháp và quá trình này có thể kéo dài ít nhất 9 tháng.
Các chuyên gia cho rằng trong bầu không khí căng thẳng bao trùm hiện nay, dù kết quả như thế nào, cuộc trưng cầu dân ý lần này chắc chắn sẽ là chất xúc tác làm gia tăng hơn nữa mâu thuẫn và tình trạng chia rẽ ở đất nước Kim Tự Tháp.
TTXVN/Tin tức