Theo kết quả cuộc thăm dò do Văn phòng Nội các Nhật Bản thực hiện, tỷ lệ những người gặp căng thẳng tài chính vào năm 2023 đã tăng 0,7 điểm phần trăm so với một năm trước đó, trong bối cảnh giá cả tăng cao.
Cuộc thăm dò năm nay có sự tham gia của 3.000 người Nhật Bản, từ 18 tuổi trở lên, với tỷ lệ phản hồi hợp lệ là 57,1%; thời gian thực hiện từ giữa tháng 11/2023 và kết thúc vào cuối tháng 12/2023.
Khi được hỏi về những yếu tố kinh tế nào của Nhật Bản đang đi theo hướng tiêu cực, 69,4% câu trả lời đã lựa chọn lạm phát giá cả, trong khi một tỷ lệ đáng kể người dân Nhật Bản bày tỏ lo ngại về tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Kết quả tồi tệ nhất ghi nhận tại câu hỏi về lý do không hài lòng, được thêm vào bảng khảo sát từ năm 2008, nhằm đánh giá chính xác thái độ về kinh tế và xã hội của người dân.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy 26,2% phụ nữ cảm thấy khó đóng vai trò tích cực trong xã hội, trong khi 25,8% cho biết họ không hài lòng với môi trường làm việc của mình.
Năm 2023, giá tiêu dùng cốt lõi (CPI) của Nhật Bản tăng 3,1%, đánh dấu tốc độ tăng nhanh nhất trong 41 năm. Ngược lại, tiền lương thực tế giảm 2,5%, là năm giảm thứ hai liên tiếp. Điều này cho thấy mức tăng lương tại Nhật Bản không theo kịp tốc độ lạm phát.
Một cuộc thăm dò riêng biệt ở khu vực tư nhân của Nhật Bản được thực hiện vào tháng 11/2023 cho thấy 46,1% người lao động thường xuyên, từ các hộ gia đình có thu nhập kép, cho biết họ đang gặp khó khăn về tài chính.
Cuộc thăm dò, do hãng thông tin tuyển dụng Mynavi Corp thực hiện, báo cáo thu nhập trung bình hàng năm của một hộ gia đình có ngân sách eo hẹp là 7,12 triệu yen (47.000 USD)/năm, thấp hơn nhiều so với mức 8,78 triệu yen đối với các hộ gia đình không bị căng thẳng về tài chính.
Cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện những lao động toàn thời gian, từ 20 đến 59 tuổi, với 3.000 câu trả lời hợp lệ được thu thập.