Tuần này, Pfizer khiến cả thế giới hân hoan khi khẳng định mẫu vaccine do hãng này phối hợp với BioNTech (Đức) có khả năng ngăn chặn được khoảng 90% nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Giới khoa học cho rằng, điều này có thể đưa đến chiến thắng trong cuộc chiến chống COVID-19, nhưng họ cũng cảnh báo không nên lạc quan quá sớm, cần có thêm thông tin trước khi ra kết luận cuối cùng. Dưới đây là 5 điểm cần biết về bước tiến này.
1. Công bố thông của Pfizer có ý nghĩa gì? Hầu hết các vaccine đều có công dụng tăng phản ứng miễn dịch của cơ thể trước một chủng virus. Do đó, vaccine giúp làm giảm các triệu chứng như sốt, chứ chưa hẳn là ngăn chặn lây lan virus. Hiện chưa có thông tin chi tiết về vaccine ứng viên của Pfizer. Giới chuyên gia nhận định, công chúng không nên mặc định rằng có vaccine đồng nghĩa với loại trừ tuyệt đối nguy cơ nhiễm bệnh.
2. Vaccine của Pfizer-BioNTech sử dụng công nghệ gì? Vaccine của liên danh này được nghiên cứu, phát triển dựa vào công nghệ mới sử dụng mRNA tổng hợp để kích hoạt hệ thống miễn dịch chống virus. Cấu trúc phân tử gien được bơm vào tế bào cơ thể người, đưa những tế bào này chuyển sang nạp hút những phần tử có khả năng là SARS-CoV-2 và cho phép hệ thống miễn dịch chuẩn bị tiêu diệt mầm bệnh.
Các vaccine truyền thông thường tiêm một loại virus thực ở thể trạng yếu vào cơ thể người. Mẫu vaccine trên nền tảng gien như của Pfizer là thuộc diện phát triển cấp tốc, nhưng chưa bao giờ được sử dụng trên người.
3. Hiệu quả được bao lâu? Đây là điều còn chưa rõ ràng. Vaccine hoạt động trên nguyên lý kích thích phản ứng từ hệ thống miễn dịch trong cơ thể người. Nhưng tính hiệu quả của vaccine giảm dần theo thời gian. Các mẫu vaccine trị cúm thường chỉ có tác dụng trong khoảng 4 tháng. Như thế cũng là đủ, bởi cúm mùa thường cũng diễn ra trong thời gian ngắn, khoảng 3 tháng mùa đông.
Việc COVID-19 xuất hiện và hoành hành trong cả năm là một vấn đề lớn. Các đợt bùng phát liên tục diễn ra ở nhiều nước khác nhau trên thế giới, đồng nghĩa virus SARS-CoV-2 có thể dễ dàng lan đến một khu vực nào đó, ở một thời điểm nào đó. Nếu hiệu quả của vaccine chỉ trong 4 tháng, mỗi cá nhân có thể phải tiêm 3-4 lần vaccine trong một năm.
4. Liệu vaccine sẽ có công dụng như nhau với tất cả mọi người? Mức độ, tác động ảnh hưởng của virus với từng nhóm dân cư là khác nhau và virus SARS-CoV-2 cũng liên tục có biến chủng. Đơn cử, chủng virus đang lây lan mạnh ở châu Âu khác với chủng virus từng gây các đợt bùng phát dịch ở châu Á trước đó.
Pfizer cho biết, thử nghiệm lâm sàng của mẫu vaccine ứng viên được thực hiện trên 43.538 tình nguyện viên tại Mỹ và nhiều nước khác, đồng nghĩa với việc vaccine có hiệu quả trên phạm vi rộng.
5. Liệu có đủ nguồn cung? mRNA tổng hợp là một phân tử lớn, rất khó để chế ra và bảo quản. Có thể buộc phải dừng cả một dây truyền sản xuất nếu xuất hiện tình trạng nhiễm bẩn dù là rất nhỏ. Vì lý do này, rất khó để bảo đảm tuyệt đối cho việc sản xuất ổn định.
Nhật Bản, Mỹ, Anh đã đạt thỏa thuận đặt mua hàng chục triệu liều vaccine do Pfizer-BioNTech sản xuất. Công ty của Mỹ cũng đang trong quá trình đàm phán với chính quyền Hong Kong/Trung Quốc, Philippines về cung ứng vaccine ứng viên. Tuy nhiên, một mình Pfizer không đủ đáp ứng nhu cầu toàn cầu đối với vaccine ngừa COVID-19.
Các công ty dược khác sẽ tiếp tục theo đuổi những dự án nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm lâm sàng và từ đó giúp các nước có nhiều lựa chọn hơn. Thách thức hiện nay nằm ở chỗ, Pfizer đã xác lập một mức trần khá cao về tính hiệu quả của vaccine – lên mức 90%. Các công ty khác sẽ phải hướng đến tỉ lệ này, dù mức hiệu quả 50% đã là đủ để Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận, phê chuẩn.