4 yếu tố báo hiệu bạn mắc chứng COVID-19 kéo dài

Các nhà khoa học đã xác định 4 yếu tố giúp xác định một người có thể phát triển chứng COVID-19 kéo dài sau khi nhiễm virus hay không.

Chú thích ảnh
Chứng COVID kéo dài đã gây rắc rối với các bác sĩ và nhà nghiên cứu trên toàn thế giới kể từ khi đại dịch bắt đầu. Ảnh: Getty Images

Chứng COVID-19 kéo dài đã mang theo một bầu không khí bí ẩn xung quanh nó trong nhiều tháng. Các bác sĩ đã phải vật lộn để giải thích hoặc hiểu được tại sao một số người nhiễm COVID-19 lại có các triệu chứng kéo dài như mệt mỏi, đầu óc kém minh mẫn hoặc khó thở suốt vài tuần hoặc thậm chí vài tháng sau khi khỏi bệnh.

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Cell đã giúp làm sáng tỏ tình trạng bệnh, khi lần đầu tiên xác định bốn yếu tố có thể giúp dự đoán liệu người nào đó có phát triển chứng COVID-19 kéo dài hay không.

Ông Jim Heath, Chủ tịch Viện Sinh học Hệ thống ở Seattle (Mỹ), tác giả của nghiên cứu trên, cho biết: “Có thể xác định các yếu tố có thể gây ra tình trạng mãn tính. Và sau đó một số yếu tố này trên thực tế cũng là những cơ sở để các nhà khoa học có thể hình dung ra việc phát triển các phương pháp điều trị."

Yếu tố quan trọng nhất mà nghiên cứu xác định trong việc dự đoán chứng COVID-19 kéo dài là sự hiện diện của một số loại kháng thể được gọi là tự kháng thể, tấn công nhầm vào các bộ phận khỏe mạnh của cơ thể. Các tự kháng thể có liên quan đến các bệnh tự miễn, như lupus, khi hệ miễn dịch tấn công chính cơ thể mình.

Nhưng theo ông Heath, không phải người nào mắc bệnh tự miễn dịch thì mới có tự kháng thể và có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 kéo dài cao hơn.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine vẫn là biện pháp quan trọng để tránh mắc COVID kéo dài. Trong ảnh, nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông nói: “Hầu hết những người có tự kháng thể không thực sự biết điều đó. Tình trạng của họ được gọi là cận lâm sàng. Có thể họ có nguy cơ mắc một số bệnh tự miễn dịch nhưng nó chưa phát triển."

Tuy nhiên, Jim Heath cho biết một ứng dụng thực tế của nghiên cứu do ông đứng đầu là các phương pháp điều trị lupus có thể “đáng để khám phá” tương tự như các phương pháp điều trị COVID-19 kéo dài.

Yếu tố thứ hai có thể dẫn đến COVID-19 kéo dài là sự kích hoạt trở lại của một loại virus khác có tên là Epstein-Barr Virus (EBV, hay còn gọi là herpesvirus 4), loại virus cực kỳ phổ biến, lây nhiễm đến 90% dân số vào một thời điểm nào đó nhưng thường chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ.

Virus này thường không hoạt động trong cơ thể sau lần lây nhiễm ban đầu, nhưng nó có thể được kích hoạt trở lại khi ai đó bị nhiễm COVID-19, từ đó dẫn đến các triệu chứng COVID-19 kéo dài.

Ông Heath cho biết EBV có thể được kích hoạt trở lại khi hệ miễn dịch bị “phân tâm” bởi việc chống lại COVID-19. “Có thể sự phân tâm lớn do nhiễm COVID-19 đang làm cơ thể mất đi sự chú ý tới EBV”, ông nói.

Yếu tố thứ ba được xác định là lượng virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 hiện diện trong máu, được gọi là “tải lượng virus”.

Chú thích ảnh

Yếu tố này cùng với vai trò của EBV cho thấy rằng các loại thuốc kháng virus mới chống lại tác động tức thì của nhiễm COVID-19, như thuốc viên Pfizer Paxlovid, cũng có thể hữu ích trong việc điều trị COVID-19 kéo dài.

Ông Heath nói: “Hai trong số những yếu tố dự báo là nồng độ virus trong máu. Vì vậy, điều đó cho thấy rằng những loại thuốc kháng virus đang được sử dụng để điều trị bệnh cấp tính có thể cũng có vai trò đối với chứng COVID kéo dài.”

Yếu tố cuối cùng trong bốn yếu tố có thể dự đoán COVID-19 kéo dài thì dễ dàng xác định hơn, đó là khi bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường Tuýp 2.

Mặc dù xác định bốn yếu tố này là một bước tiến trong việc tìm hiểu nguyên nhân gây ra COVID-19 kéo dài và giúp phát triển các phương pháp điều trị, các nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ cơ chế tại sao chúng có liên quan đến COVID-19 kéo dài.

“Chúng có thể mang các yếu tố cơ học. Cơ chế thực tế không rõ ràng”, ông Heath thừa nhận.
Nghiên cứu do ông dẫn đầu đã theo dõi 309 bệnh nhân COVID-19, lấy mẫu tại các thời điểm khác nhau.

Một cách quan trọng để giảm nguy cơ nhiễm COVID-19 kéo dài là tiêm chủng. Một nghiên cứu khác từ Anh cho thấy những người được tiêm chủng ít có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 kéo dài hơn 41%.

COVID-19 kéo dài là một tình trạng chưa được hiểu biết nhiều, không có định nghĩa cũng như cách chẩn đoán và điều trị tiêu chuẩn. Chứng bệnh này đã gây rắc rối với các bác sĩ và nhà nghiên cứu trên toàn thế giới kể từ khi đại dịch bắt đầu. Số lượng chính xác bệnh nhân mắc COVID kéo dài vẫn không rõ ràng, mặc dù người ta ước tính rằng 1/3 bệnh nhân COVID nói chung có thể gặp các triệu chứng trong ít nhất một tháng.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo The Hill, NBC)
Lý do khiến một số người dễ mắc hội chứng COVID kéo dài
Lý do khiến một số người dễ mắc hội chứng COVID kéo dài

Một số bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ nhưng kéo dài nhiều tháng sau khi khỏi bệnh, hay hội chứng COVID kéo dài (Long COVID).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN