Trong số các hình ảnh từ vệ tinh, hoạt động duy nhất nhận biết được tại Yongbyon là sự xuất hiện của một chiếc cần cẩu cạnh cảng bốc dỡ thùng nhiên liệu tại địa điểm của lò phản ứng nước nhẹ thử nghiệm (ELWR) từ ngày 22-28/3 vừa qua. Tuy nhiên, 38 North cho rằng chưa xác định được "mục đích chính xác" của hoạt động trên "nếu chỉ dựa vào hình ảnh". Trang mạng này cũng khẳng định không có bằng chứng trực tiếp cho thấy ELWR tiến gần “trạng thái hoạt động”, trong khi hoạt động ở các khu vực còn lại tại tổ hợp Yongbyon "rất ít".
Tổ hợp Yongbyon được cho là cơ sở chính sản xuất plutoni phục vụ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2, diễn ra tại Hà Nội cuối tháng 2 vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đề xuất dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon để đổi lấy việc Mỹ giảm bớt các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đề xuất này chưa cân xứng, theo đó ông Trump yêu cầu Triều tiên hủy bỏ toàn bộ chương trình vũ khí hủy diệt.
Trong một diễn biến liên quan, hãng thông tấn Kyodo đưa tin Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono ngày 5/4 đã nhất trí với những người đồng cấp Liên minh châu Âu (EU), Canada duy trì sức ép đối với Bình Nhưỡng để thúc đẩy phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Theo một quan chức ngoại giao Nhật Bản, ông Kono đã có các cuộc gặp riêng rẽ với các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Anh và Canada bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại khu nghỉ dưỡng Dinard - miền Tây nước Pháp. Tại các cuộc gặp, Ngoại trưởng Taro Kono đã khẳng định cam kết cùng những người đồng cấp thực thi đầy đủ các lệnh cấm vận đối với Triều Tiên.
Trong các cuộc gặp với Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland, ông Kono cũng khẳng định hợp tác chặt chẽ nhằm ngăn chặn Triều Tiên thực hiện các giao dịch mua bán sản phẩm dầu mỏ từ tàu sang tàu, vốn nằm trong lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với nước này.